Liên quan vụ án Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) bán kit test Bộ Công an đang điều tra, ngày 20-12, nhiều địa phương thông tin về việc mua sản phẩm của công ty này.

6b13dddc719e98c0c18f-1640047375.jpg
Nơi sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á tại Bình Dương và địa chỉ liên lạc của công ty tại 134/3D Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận (ảnh nhỏ). Ảnh: L.ÁNH - N.YÊN

Trưa 20-12, Sở Y tế TP Hà Nội cho biết đã rà soát, cho thấy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) không mua bộ kit test xét nghiệm COVID-19 của công ty này.

Sở Y tế TP Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tương tự, tại cuộc họp báo chiều 20-12, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng khẳng định không mua kit test nhanh của Công ty Việt Á vì giá chào bán quá cao.

Đối với câu hỏi: Ngoài HCDC không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á thì các đơn vị y tế khác ở TP.HCM có mua hay không? Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, người chủ trì buổi họp báo, hẹn PV sẽ trả lời vào thứ Năm tuần này.

TP.HCM chỉ đạo kiểm tra việc mua bán kit test

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Y tế, Thanh tra TP về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit test xét nghiệm, đồng thời rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân… theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, tham mưu UBND TP chuyển hồ sơ sang Công an TP để xử lý theo quy định.

Tương tự, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cũng cho hay đơn vị không mua kit test của Công ty Việt Á.

Tại Quảng Ngãi, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đơn vị có mua bộ kit test của Công ty Việt Á ba đợt, khoảng 5 tỉ đồng và cho hay là mua theo đúng quy trình.

e23952f6feb417ea4ea5-1640047415.jpg
Hai bị can Phan Quốc Việt (trái) và Phạm Duy Tuyến

Cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An cho biết qua rà soát, có bốn đơn vị trong tỉnh đã mua kit test của công ty này.

Cụ thể, bốn đơn vị gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC Long An), BV đa khoa Long An, BV đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và BV đa khoa khu vực Cần Giuộc.

Việc mua kit test bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định mua sắm trong tình huống khẩn cấp và Sở Y tế tỉnh Long An trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, làm rõ các hồ sơ, trong đó có việc mua kit test của Công ty Việt Á.

“Trong quá trình mua sắm, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch mua kit test COVID-19 dựa vào khung giá của Bộ Y tế đã được công bố trên hệ thống mạng đấu thầu, có sự kiểm tra, thẩm định của cơ quan chuyên môn địa phương trước khi trình UBND tỉnh” - lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Long An nói.

Hiện Nghệ An, Đồng Nai và nhiều tỉnh khác cũng đang cho rà soát việc mua sắm trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch, trong đó có việc mua kit test.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, C03 vừa bắt tạm giam bảy bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó công an xác định ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương, nhận gần 30 tỉ đồng “hoa hồng” do Công ty Việt Á chi trả khi mua kit test của công ty này.

Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án.

WHO không chấp nhận kit test của Việt Á

Ngày 26-4-2020, trang web của Bộ KH&CN ra thông báo: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá bộ kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”. Tuy nhiên, theo các tài liệu công bố công khai của WHO, bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất không được tổ chức này phê duyệt.

Trên thực tế, từ tháng 4 đến tháng 7-2020, WHO liên tiếp phê duyệt các bộ xét nghiệm của một số quốc gia vào danh mục khẩn cấp, song sản phẩm của Công ty Việt Á vẫn không nằm trong danh sách này. Đến ngày 20-10-2020, báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO chính thức kết luận bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á là “Not Accepted” (không được chấp nhận).

Cũng trong văn bản này, WHO khẳng định: “LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit với mã sản phẩm VA.A02-055H, sản xuất bởi Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam không đủ điều kiện tham gia chương trình mua sắm của WHO”.

Theo báo cáo, để đủ điều kiện tham gia chương trình mua sắm của WHO, Công ty Việt Á được yêu cầu cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng.

Tuy nhiên, sau khi xem xét tài liệu do Công ty Việt Á đệ trình, WHO kết luận các thông tin này không phải là bằng chứng đầy đủ về việc tuân thủ ISO 13485:2016 Trang thiết bị y tế - Hệ thống quản lý chất lượng - Yêu cầu đối với các mục đích quy định và các yêu cầu được mô tả trong “hướng dẫn về yêu cầu nộp: Chẩn đoán trong ống nghiệm (IVDS) phát hiện axit nucleic SARS-CoV-2, PQDX 347”.

Mới đây nhất, theo bản cập nhật ngày 10-12-2021, sản phẩm của Công ty Việt Á có tên trong danh sách “SARS-CoV-2 IVDS: Sản phẩm không được chấp thuận theo quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL)”. Văn bản này được đăng tải trên website chính thức của WHO.

Bộ kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất bị liệt vào mục “Các ứng dụng đã được đánh giá và không đáp ứng được các bằng chứng, tài liệu cần thiết về độ an toàn, hiệu suất và/hoặc hệ thống quản lý chất lượng - xét nghiệm acid nucleic SARS-CoV-2”... KHÁNH NHƯ