Vì sao Nghệ An có tên trong 8 tỉnh thành bị CA khám xét

Ngày 20/12, ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) cho biết, sau khi có sự việc Bộ Công an bắt giữ vụ nâng khống giá kit test xảy ra tại Công ty Việt Á và CDC Hải Dương, Sở Y tế tỉnh này cũng đã có công văn gửi các đơn vị rà soát lại toàn bộ

Ông Định cho biết, trong thông tin Bộ Công an bắt vụ việc này thì có 8 tỉnh thành liên quan và 16 địa điểm bị khám xét thì tỉnh Nghệ An có tên trong danh sách này. 

Sở dĩ tỉnh Nghệ An có tên vì thời điểm bắt giữ có một đối tượng trong Công ty Việt Á đang trú ngụ tại một khách sạn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

giam-doc-cdc-nghe-an-chung-toi-luon-mua-duoc-gia-thap-nhat-so-voi-thi-truong-1640007530-1640008119.jpg
Trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An.

"Ngày 10/12, C03 đã phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đối tượng có liên quan đến vụ án trong công ty Việt Á. Thời điểm này đối tượng này đang trú ngụ tại Nghệ An. Không biết đối tượng này vào làm việc gì nhưng thời điểm bắt đang ở Nghệ An. Chính vì thế địa danh Nghệ An được đưa vào danh mục 1 trong 8 tỉnh thành trong vụ việc", ông Định chia sẻ.

Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, thời gian đầu Công ty Việt Á là công ty đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép và có hàng để cung ứng. 62 tỉnh thành đều sử dụng hàng của công ty này và tỉnh Nghệ An cũng mua để sử dụng.

Cụ thể, tỉnh Nghệ An đã mua hàng của Công ty Việt Á trong 4 gói thầu với tổng trị giá là 28 tỷ đồng. 

Trong 4 gói thầu này thì có 2 gói thầu được đấu thầu rộng rãi trị giá gần 10 tỷ đồng vào các ngày 17/12/2020, 5/8/2021 và 2 gói thầu được chỉ định thầu trị giá 18,5 tỷ đồng vào các ngày 15/7 và 31/10/2021.

giam-doc-cdc-nghe-an-chung-toi-luon-mua-duoc-gia-thap-nhat-so-voi-thi-truong1-1640007488-1640008143.jpeg
Bộ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Lý giải việc có gói thầu được chỉ định, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết do tính cấp bách trong khi dịch đang lan rộng, sinh phẩm không đủ nên cần phải chỉ định để sớm có hàng phục vụ việc chống dịch. Việc chỉ định thầu trước đó cũng đã có ý kiến của Bộ Y tế về việc cần thiết vì không để thiếu sinh hóa phẩm trong quá trình chống dịch.

Không có liên lạc, kết nối, trao đổi nào với công ty Việt Á

Nói về quá trình triển khai đấu thầu mua sắm sinh hóa phẩm phục vụ chống dịch, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết, toàn bộ quá trình đều được thực hiện đảm bảo theo quy trình, quy định. Tỉnh Nghệ An cũng mua được hàng với giá thấp nhất so với giá mặt bằng chung của thị trường tại các thời điểm.

"Ngay từ đầu, quan điểm ở Nghệ An là mua sắm đúng quy trình. Tất cả phải tuân thủ theo quy trình, xây dựng gói thầu xuất phát từ nhu cầu, trình UBND tỉnh phê duyệt. Lấy các báo giá, thẩm định giá rồi trình lên lại Sở Y tế, Sở Tài Chính thành lập hội đồng thẩm định giá của tỉnh, thẩm định giá sát nhất tại các thời điểm.

So với giá mặt bằng chung của cả nước thì giá mà tỉnh Nghệ An mua luôn thấp nhất so với thị trường tại thời điểm đó.

Ví dụ có gói thầu duyệt giá ở thời điểm đầu là 509 nghìn 250 đồng 1 bộ thì sau mình thương thảo được và chỉ mua với giá 470 nghìn đồng.

Thời điểm đó giá đang cao. Sau này các địa bàn trên cả nước mua với giá 470 nghìn đồng thì tỉnh Nghệ An mua được với giá 367 nghìn đồng.

Việc triển khai mua luôn đảm bảo và có giá thấp nhất, mục đích đảm bảo được việc cung ứng cho phòng chống dịch", ông Nguyễn Văn Định nói.

Giám đốc CDC Nghệ An cũng cho biết, quá trình triển khai đấu thầu mua sắm thì không có bất kỳ kết nối, trao đổi nào với công ty Việt Á, với các nhà thầu cung ứng hàng hóa.

"Về mặt đơn vị trực tiếp tham gia triển khai mua sắm gói thầu này thì không có liên lạc nào với các đơn vị cung ứng. Quá trình triển khai đáp ứng được về các mặt quy trình, quy định về đấu thầu, quy trình, xây dựng giá, cách thức đảm bảo. Tôi chưa bao giờ gặp anh Việt (Phan Quốc Việt - Tổng GĐ Công ty Việt Á - PV), thậm chí chưa biết mặt", Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định với PV.

Được biết, hiện nay tỉnh Nghệ An có 11 đơn vị chạy máy xét nghiệm và có cài đặt sử dụng sinh phẩm của công ty Việt Á. Ngoài ra, các đơn vị cũng có lấy đan xen sử dụng sinh hóa phẩm của các đơn vị khác.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Tỉnh Nghệ An đã chi 60 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, các sinh hóa phẩm phục vụ việc xét nghiệm phòng chống dịch.

Trong số đó mua và thanh toán cho Công ty Việt Á 28 tỷ đồng của 4 gói thầu. Ngoài ra 32 tỷ đồng mua sắm thiết bị, sinh hóa phẩm của 3 công ty khác để phục vụ chống dịch trên địa bàn.

Trước đó, vào ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng.

giam-doc-cdc-nghe-an-chung-toi-luon-mua-duoc-gia-thap-nhat-so-voi-thi-truong2-1640007653-1640008185.jpg
Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á.

Ngoài lãnh đạo, cán bộ của Công ty Việt Á, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kít xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng,

Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyển - Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017./.