Khoảng 12 giờ 30 phút trưa 31/7, một đối tượng sử dụng súng AK bất ngờ xông vào cướp tiệm vàng ở Huế, tiệm vàng mang tên Hoàng Đức và Thái Lợi, trên đường đường Trần Hưng Đạo (khu vực trước chợ Đông Ba, TP. Huế).

Theo nhân chứng và hình ảnh do camera ghi lại nghi phạm đã nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm vàng rồi cướp vàng toàn bộ số vàng trong tiệm rồi đối tượng ném ra đường gần khu vực chợ Đông Ba. Thời điểm này, rất đông người dân đã dừng lại để nhặt vàng. Mặc dù nghi phạm đã bị bắt giữ ngay sau đó, tuy nhiên, số vàng cơ quan điều tra thu hồi lại không đầy đủ.

2715-nhatvang-1659342992.jpg
Một số người dân được cho là đã "hôi vàng" trong vụ cướp tiệm vàng ở Huế hôm qua, 31/7. Ảnh MXH

Công an TP Huế đã thông báo đề nghị người dân nhặt được vàng có liên quan đến vụ cướp tiệm vàng tại chợ Đông Ba phải giao nộp nhằm phục vụ hoạt động điều tra của cơ quan công an, cũng như hoàn trả cho bị hại sau khi quá trình hoàn tất. Những trường hợp không trả lại tài sản liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng (đoàn luật sư TP Hà Nội), việc một số người dân có hành động “hôi vàng” do nghi phạm cướp vàng ném ra đường mà cố tình không trả lại tàn sản cho chủ sở hữu hoặc cho cơ quan có thẩm quyền về tài sản có dấu hiệu của hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của người khác. Đây là hành vi đáng lên án, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy vào số vàng đã nhặt.

Luật sư Hoàng phân tích, trong vụ cướp tiệm vàng xảy ra ở chợ Đông Ba, TP Huế, ngày 31/7, Công an TP Huế đã có thông báo đề nghị người dân trả lại tài sản nhặt được do toàn bộ số vàng được xác định là vật chứng của vụ án hình sự. Số vàng này sau khi người dân giao nộp sẽ được giám định và chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác theo quy định”.

Trường hợp người dân nhặt được vàng mà không giao nộp lại cho cơ quan điều tra được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo đó, đối tượng chiếm giữ trái phép vàng có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; giá trị vàng bị chiếm giữ trị giá từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".

Ngoài ra, trong trường hợp vàng người dân chiếm giữ trái phép không cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 141/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội;phòng cháy, chữa cháy cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

“Hành vi chiếm giữ trái phép tài sản thuộc nhóm tội phạm xâm phạm chủ sở hữu, nhiều trường hợp do hạn chế nhận thức pháp luật, chủ quan hoặc vì lợi ích cá nhân mà thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản đều bị xử lý theo quy định”, luật sư Hoàng nêu ý kiến./.