Thông tin từ TAND tỉnh Hải Dương cho biết, ngày 18/11, TAND tỉnh sẽ đưa Cao Tài Năng (40 tuổi) và vợ Vũ Thị Mừng (38 tuổi, ở phường Bình Hàn, TP. Hải Dương) ra xét xử.
Cao Tài Năng bị truy tố về tội "Giết người, Cướp tài sản và Xâm phạm thi thể, hài cốt". Còn Vũ Thị Mừng bị truy tố về tội "Che giấu tội phạm và Xâm phạm thi thể, hài cốt". Bị hại trong vụ án là anh D.C.C. (47 tuổi, ở thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Hải Dương).
Trước đó, phiên tòa này có lịch xét xử vào ngày 26/10, tuy nhiên Vũ Thị Mừng có đơn xin hoãn vì mới sinh con.
Trao đổi với chúng tôi trước vụ việc trên về đối tượng Vũ Thị Mừng, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM cho biết, trong thực tế, việc những người trong gia đình che giấu hành vi phạm tội của người thân là điều dễ hiểu. Điều này là do tâm lý trong mối quan hệ ruột thịt.
Theo Luật sử Diệp Năng Bình, trong những trường hợp bình thường, những người thân như cha mẹ, vợ chồng, anh, chị, em ruột thường che giấu hành vi phạm tội của con, em mình.
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, 'người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
“Hành vi che giấu tội phạm thông qua các hình thức xóa dấu vết, vật chứng... đây là các hành vi mang tính chủ động cao và nếu loại trừ hoàn toàn cho các đối tượng này (dù là ruột thịt) thì sẽ gây rất nhiều khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến bế tắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Dù tình cảm gia đình có sâu nặng tới đâu, trước pháp luật, mọi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi trái pháp luật của mình. Vì tình thân mà hành động mù quáng để rồi vướng vào vòng lao lý như đối tượng Mừng là điều đáng trách”, Luật sư Diệp Năng Bình chia sẻ.
Theo đó, tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015. Không tố giác tội phạm, được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật Hình sự quy định (tại Điều 389) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện. Trong trường hợp này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, đối tượng Mừng bị cơ quan tố tụng truy tố về tội "Xâm phạm thi thể, hài cốt". Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì ở Khoản 1, người có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Như vậy, người vợ giúp chồng xoá dấu vết, phi tang xác chủ nợ có thể chịu tổng hợp hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
Tuy nhiên, trong vụ án này, đối tượng Mừng vừa sinh con nhỏ nên theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về quy định hoãn chấp hành hình phạt tù: "Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”./.