Hai ngày qua, dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng, tiếc thương trước sự hy sinh của 3 chiến sĩ Cảnh sát thuộc Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa).
Thông tin sơ bộ ban đầu, đám cháy xuất phát từ khu vực tầng 5 (nhà bếp) của quán karaoke cao 6 tầng đang dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.
Đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng ở quận Cầu Giấy, mà trước đó, năm 2016 vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) khiến 13 người chết, 4 ngôi nhà bị cháy và rất nhiều thiệt hại khác về tài sản cũng khiến dư luận bàng hoàng.
Đặc biệt, thời điểm điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhiều karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy vẫn mở chui, thậm chí có quán nhân viên còn bị mắc COVID-19 đã vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng chống dịch.
Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao các vụ cháy quán karaoke nói chung, quận quận Cầu Giấy nói riêng thường để lại hậu quả nghiêm trọng? Đối với vụ cháy quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa, lãnh đạo quận Cầu Giấy, phường Quan Hoa, chủ cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm gì?
Các chuyên gia cho rằng, trước hết nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ cháy quán karaoke, là do một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, hoạt động khi chưa đủ điều kiện cho phép.
Điều dễ thấy nhất là phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke hiện đều được thiết kế khá đặc trưng theo kiểu nhà hộp hay dạng nhà ống, không có ban công. Bề mặt tường là vật liệu xốp cách âm. Mặt ngoài thường được quây kín bằng các biển hiệu lớn nên khi xảy ra cháy nổ rất mất thời gian và khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn.
Thực tế, nhiều cơ sở karaoke còn tận dụng tối đa diện tích để kinh doanh nên thiết kế phòng ốc, cầu thang thoát hiểm rất nhỏ, không đúng quy định. Cửa phòng thì thường bịt kín bằng cửa kín bao xốp.
Một số quán karaoke kinh doanh trong các ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường khi xảy ra hỏa cháy.
Cơ sở kinh doanh karaoke chịu trách nhiệm gì?
Đối với vụ cháy quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa, TS. LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, cơ quan chức năng cần phải làm rõ, thời điểm xảy ra cháy, quán karaoke này đang hoạt động kinh doanh hay ngừng kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Trường hợp xác minh, cơ sở kinh doanh đang hoạt động dẫn đến vụ cháy xảy ra, chủ cơ sở không tuân thủ phòng cháy chữa cháy dẫn đến vụ cháy xảy ra, gây chết người sẽ căn cứ vào Điều 313 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Đối với hậu quả gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người khác, thì người vi phạm quy định về PCCC sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Trường hợp, vụ cháy làm chết 3 người trở lên chế tài sẽ ở mức cao nhất là phạt tù từ 7-12 năm, đối với người vi phạm quy định về PCCC.
Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định, vụ cháy xả ra không phải quá trình kinh doanh, chưa kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh mà vụ cháy xảy ra do quá trình thi công, sửa chữa do thợ hàn đã bất cẩn rơi xỉ hàn dẫn đến đám cháy, thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công.
Trường hợp, cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công sửa chữa không tuân thủ đảm bảo an toàn lao động dẫn đến hỏa hoạn xảy ra, gây chết người thì cơ quan chức năng cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định an toàn lao động. Hình phạt có thể cao nhất lên tới 12 năm tù.
Chính quyền quận, phường có phải chịu trách nhiệm?
Đối với việc xem xét trách nhiệm của phường Quan Hoa và quận Cầu Giấy, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng cần cứ vào chỉ đạo của chính quyền và các cuộc thanh tra, kiểm tra. Từ đó xác định trách nhiệm cũng như mức độ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể.
“Việc cơ quan chức năng đã không quyết liệt, chưa dám sát chặt chẽ và chính quyền cơ sở có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí sẽ chịu trách nhiệm hình sự khi để những điều không mong muốn xảy ra như vụ cháy vừa qua ở Quan Hoa”, vị luật sư nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nhìn nhận, 3 chiến sĩ hi sinh khi tham gia chữa cháy là rất đau xót, mất mát cho gia đình, đồng đội và xã hội. Sự việc rất đau lòng nhưng phải rất khách quan để xem lại công tác PCCC trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng, đặc biệt là tại địa bàn quận Cầu Giấy.
“Ngoài vụ 3 chiến sĩ hi sinh khi chữa cháy mới đây thì trước đó tại quận Cầu Giấy còn có vụ cháy tại quán karaoke khiến 13 người tử vong. Chính quyền quận Cầu Giấy cũng như lực lượng PCCC của quận Cầu Giấy cần phải soi lại việc quản lý, cấp phép PCCC trên địa bàn.
Chính quyền, Công an quận Cầu Giấy cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nếu cơ sở nào không bảo đảm PCCC thì phải xử phạt nặng, có thể tước giấy phép kinh doanh”, ông Hòa bày tỏ.
Đại biểu Hòa cũng nhấn mạnh, thời gian qua, chính quyền Thành phố và Công an TP Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản liên quan PCCC nhưng sau sự việc này thì cần phải xem lại những văn bản chỉ đạo liên quan đã đủ "liều lượng" chưa, nếu chưa thì phải có những văn bản nhắc lại và đặc biệt phải quy rõ trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác PCCC./.