Như PLO đã thông tin, ngày 20-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã ra Quyết khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ngụ huyện Thạch Thất, Hà Nội) để điều tra về tội giết người theo Điều 123 BLHS.
Huyên bước đầu được xác định là người đã bạo hành cháu ĐNA (3 tuổi). Cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục làm rõ vai trò của NTL (27 tuổi, mẹ đẻ của cháu A) trong vụ án.
Từ lời khai của nghi phạm về hành vi phạm tội, nhiều bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng cần xử với hình phạt nghiêm khắc nhất.
Theo Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, Giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP HCM, giết người là hành vi cố ý tước bỏ trái pháp luật tính mạng của người khác. Hành vi giết người thường được thể hiện thông qua việc người phạm tội cố ý tác động trái pháp luật vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân như đầu, cổ, ngực… từ đó dẫn đến hậu quả chết người.
Dấu hiệu hậu quả của tội giết người có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thời điểm tội phạm hoàn thành. Vì tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất nên thời điểm hoàn thành của tội phạm này là thời điểm hậu quả chết người xảy ra.
“Trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi giết người nhưng vì những lý do khách quan mà nạn nhân không chết, tức hậu quả chết người không xảy ra thì người phạm tội vẫn chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người tại Điều 123 BLHS nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt” – ThS Thanh Thảo khẳng định.
Căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu thì việc khởi tố bị can Huyên về tội giết người là có cơ sở.
Cạnh đó, do nạn nhân chỉ mới 3 tuổi nên bị can Huyên có thể bị truy cứu TNHS theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng TNHS là “giết người dưới 16 tuổi”.
Trong trường hợp bị can Huyên bị truy cứu TNHS theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS thì mức hình phạt có thể áp dụng là “phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” nếu cháu bé chết, tức hậu quả chết người đã xảy ra. Theo đó, Huyên có thể phải chịu hình phạt mang tính nghiêm khắc nhất là tử hình.
“Tuy nhiên, trong trường hợp cháu bé vẫn giữ được tính mạng, tức hậu quả chết người không xảy ra thì hành vi của bị can được xác định là giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 57 BLHS thì “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm… “.
“Từ các căn cứ và lập luận trên, bị can chỉ phải đối diện với mức án cao nhất là 20 năm tù” - Thạc sĩ Thanh Thảo nêu quan điểm./.