Mức kỷ luật cao nhất sẽ ra sao, cấp nào xử lý?
Ngày 26/11, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp, thống nhất báo cáo, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng ở mức cao nhất đối với ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.
Việc đề nghị này là do ông Sơn đã vi phạm rất nghiêm trọng tiêu chuẩn Đảng viên, cấp ủy viên; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; những điều Đảng viên không được làm; vi phạm quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện văn hóa, văn minh công sở; về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, gây dư luận rất xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, theo điều lệ của Đảng, đối với đảng viên chính thức sẽ có các hình thức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
Như vậy, theo ông Sửu, việc tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Sơn là mức khai trừ Đảng.
Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, với những vi phạm rất nghiêm trọng của ông Sơn mà tỉnh Quảng Ninh nêu ra cho thấy rõ, ông này đã vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, quy định 41 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ...
"Rõ ràng, với những vi phạm rất nghiêm trọng của ông Sơn được tỉnh Quảng Ninh nêu ra có thể thấy là người đứng đầu một huyện đảo nhưng anh đã tha hóa, suy thoái đạo đức, phẩm chất, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, pháp luật của Nhà nước.
Người lãnh đạo như vậy thì không đảng viên, nhân dân nào có thể chấp nhận, tin được và làm giảm uy tín của tổ chức đảng. Do đó, việc xử lý kỷ luật cao nhất với ông Sơn là đúng, cần thiết", ông Sơn nêu rõ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng cũng cho hay, trường hợp ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Cô Tô là diện cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh quản lý.
Trường hợp vi phạm, khuyết điểm cần phải xử lý kỷ luật Đảng ở mức cao nhất theo đề nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hồ sơ sẽ được báo cáo lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp, xem xét thấy nội dung đúng như Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã báo cáo thì sẽ đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với ông Lê Hùng Sơn.
Cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng ở mức cao nhất (khai trừ) đối với diện cán bộ cấp Tỉnh ủy viên là Ban Bí thư.
Việc tố ông Sơn cưỡng hiếp thuộc tố giác tội phạm
Trước đó, vào ngày 12/11, sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân đối với ông Lê Hùng Sơn về hành vi cưỡng hiếp, tỉnh Quảng Ninh đã họp và quyết định đình chỉ công tác đối với ông này.
Đồng thời, giao tổ chức đảng các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật chỉ đạo nghiên cứu nội dung đơn tố cáo của công dân về hành vi cưỡng hiếp của ông Lê Hùng Sơn; khẩn trương vào cuộc điều tra, xem xét, sớm có kết luận cụ thể về vụ việc và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật (nếu có).
Trao đổi với PV, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, việc tố cáo ông Lê Hùng Sơn có hành vi cưỡng hiếp thuộc loại tố giác tội phạm.
Luật sư Thanh dẫn điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác về tội phạm, Cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định như khởi tố vụ án hình sự; Không khởi tố vụ án hình sự; Tạm đình chỉ việc giải quyết.
Thời hạn này có thể gia hạn nhưng không quá 2 lần, mỗi lần 2 tháng.
Nếu xác định ông Sơn có hành vi phạm tội như nội dung tố giác, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Sơn về tội Hiếp dâm, theo Điều 141 Bộ luật hình sự hoặc tội Cưỡng dâm, theo Điều 143 Bộ luật này.
Trường hợp không có sự việc như đơn tố giác, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi quan hệ tình dục của ông Sơn với người tố giác không cấu thành tội phạm.
Luật sư Thanh chỉ rõ, cần hiểu hiếp dâm là việc một người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Còn cưỡng dâm là việc một người dùng thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Nam luật sư cho biết thêm, trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận việc tố giác là sai sự thật, khi đó người tố giác có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống nếu ông Sơn có yêu cầu Cơ quan điều tra xử lý./.