Trách nhiệm người “dì ghẻ" khi đủ căn cứ

Trước vụ việc cháu bé 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành dẫn đến tử vong ở TP. Hồ Chí Minh, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp V.N.Q.T. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi nghi hành hạ, đánh đập khiến cháu tử vong.

78894f5fe01d0943500c-1640665924.jpg
Trên cơ thể cháu bé có nhiều vết bầm tím.

Bước đầu tại cơ quan công an, người "dì ghẻ" đã khai nhận hành vi phạm tội. Nạn nhân trong vụ việc là cháu N.T.V.A. (8 tuổi), con ruột của ông T. (36 tuổi, trú quận 1, TP.HCM). Ông T. đang cư trú cùng Tr. tại căn hộ chung cư ở phường 22, quận Bình Thạnh.

Trước vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Luật trẻ em 2016, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của chồng, của vợ mình đến khi trưởng thành.

Để xác định chính xác hành vi phạm tội của người phụ nữ, ngoài việc căn cứ vào kết luận giám định tử thi của bé gái, cần làm rõ ý thức chủ quan, động cơ và mục đích phạm tội để xem xét, đánh giá hành vi cấu thành tội Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hay Tội giết người theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Nếu trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được người thực hiện hành vi đánh đập cháu bé nhưng không đánh vào những vùng nguy hiểm như đầu, mặt hay bụng thì người đó có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự và chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gây hậu quả chết người. Mức phạt tù đối tượng có thể phải đối diện là phạt tù từ 07 đến 14 năm.

8fa91348bc0a55540c1b-1640665953.jpg
Người "dì ghẻ" nghi bạo hành cháu bé.

Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thực hiện hành vi thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện với mong muốn tước đoạt mạng sống của người khác thì đối tượng sẽ bị xử lý về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự.

Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi, giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, hình phạt đối tượng này phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, khi có đủ căn cứ, hành vi của người “dì ghẻ” có thể bị truy tố thêm về Tội hành hạ người khác, căn cứ vào Điều 140 Bộ luật hình sự, hình phạt áp dụng có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cần làm rõ trách nhiệm người bố

Luật sư Tiền chia sẻ thêm, sự đau đớn, cái chết thương tâm của bé gái cũng liên quan tới trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc của người bố, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ. 

Vì sao lại có chuyện con gái mình có thể bị hành hạ suốt một thời gian dài nhưng người bố lại không hề có ý kiến, quan điểm với người yêu rõ ràng về chuyện này, vì sao không đứng lên bảo vệ cho con mà lại để xảy ra hậu quả đau lòng như vậy.

216633ff44bdade3f4ac-1640665985.jpg
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Ban quản lý nhà chung cư tại đây cũng có trách nhiệm một phần trong vụ án trên khi chưa có biện pháp xử lý thoả đáng bằng cách trực tiếp can thiệp, giải quyết vụ việc, hay thông báo cho công an khu vực hoặc cơ quan bảo vệ trẻ em để có các biện pháp giải quyết khác phù hợp hơn.

Đây là một bài học rất lớn cho những người trẻ tuổi về cách ứng xử trong quan hệ hôn nhân, tình cảm, gia đình; gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho lối sống thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, tính nhân văn và coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Hành vi nói trên đối với một bé gái 8 tuổi là không thể chấp nhận được và sẽ phải chịu sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng, cũng như phải đối mặt với mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật./.