Trong thời gian qua các cơ quan chức năng trên cả nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhiều vụ việc đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng… phát hiện bắt giữ và khởi tố các chủ doanh nghiệp khi chỉ đạo cấp dưới khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mới đây Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với loạt lãnh đạo, cán bộ xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", khi buông lỏng quản lý, để tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn.
Ngày 01/3, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị vừa chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông bắt giữ hơn 480 tấn đá thạch anh thô không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, ngày 22/2, trên Quốc lộ 1A thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, cơ quan công an tiến hành kiểm tra xe ô tô đầu kéo, kéo theo rơ moóc do tài xế L.M.K (SN 1988, trú huyện Nghĩa Đàn) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 83 tấn đá thạch anh thô, tuy nhiên tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Qua mở rộng điều tra, cơ quan Công an xác định số đá được vận chuyển nói trên là của V.X.T (SN 1991, trú xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) mua của V.V.S (SN 1992, trú xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) sau đó thuê K. vận chuyển đi tiêu thụ.
Kiểm tra tại khu vực tập kết đá của V.V.S thuộc xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phát hiện thêm hơn 400 tấn đá thạch anh thô. Làm việc với lực lượng chức năng, đối tượng S. khai nhận toàn bộ số đá nói trên được S. khai thác trái phép.
Tuy nhiên, với số lượng gần 500 tấn, dư luận không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi vậy trong quá trình khai thác trái phép đó chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị có thẩm quyền, được giao nhiệm vụ đã ở đâu khi đối tượng khai thác với số lượng tài nguyên khoáng sản lớn như vậy mà vẫn không hề hay biết, liệu có chuyện ‘con voi chui lọt lỗ kim’. Bởi trong quá trình khai thác nhóm đối tượng này phải sử dụng máy móc, phương tiện, nhân lực và với gần 500 tấn tài nguyên này không thể nói trong ngày 1, ngày 2 mà phải là cả quá trình với sự giúp sức của máy móc, nhân lực và cả phương tiện vận chuyển.
Và nếu Công an tỉnh Nghệ An không phát hiện việc xe vận chuyển tài nguyên trên đường quốc lộ để mở rộng điều tra phát hiện cả một bãi tập kết khủng của V.V.S (SN 1992, trú xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) thì liệu vụ việc có dừng lại ở mức độ trên không?
Trước hết phải nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, chi ủy, cán bộ thôn xóm đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, không làm tốt công tác nắm bắt địa bàn, không dựa vào tai mắt là quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật khi vụ việc mới bắt đầu xảy ra.
Sau đó, phải kể đến các cơ quan chức năng, có thẩm quyền được giao nhiệm vụ trong việc quản lý, cấp phép. Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn mình quản lý.
Để khối lượng đá thạch anh lớn đến mức gần 500 tấn, mà các cấp chính quyền địa phương không biết, không hay thì hơi vô lý. Vì chính quyền địa phương là nơi gần dân nhất, nắm địa bàn rõ nhất. Việc để xảy ra tình trạng khai thác trái phép này chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân. Và người viết bài tin tưởng rằng, cơ quan chức năng sẽ làm nghiêm túc vụ việc này.
Từng đưa ra quan điểm về vấn đề khai thác khoáng sản trái phép, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thá khoáng sản trái phép đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất,…Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của nhân dân.
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Thiết nghĩ nếu làm tốt được những vấn đề trên thì các đối tượng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép sẽ không thể ‘tự tung, tự tác’ khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép với khối lượng lớn như vậy được.