Sau khi được giải cứu đưa ra khỏi khu vực nuôi nhốt ở nhà dân, 8 con hổ đã chết trong quá trình tiêm thuốc mê và vận chuyển. 9 con còn lại được gửi chăm sóc nhưng rất yếu.

Ngày 7/8, ông Nguyễn Ích Hiếu - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (Nghệ An) cho biết, trước đó ngày 4/8 đơn vị này có tiếp nhận chăm sóc hộ những cá thể hổ được giải cứu trong vụ án bắt 2 cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành (Yên Thành).
 
Ông Hiếu cho biết, khi tiếp nhận thì 8 cá thể hổ đã chết và được đơn vị này cho vào kho đông để bảo quản giúp cơ quan công an, phục vụ công tác điều tra vụ án.
 
9 con hổ còn lại được đơn vị tiếp nhận trong tình trạng rất yếu. Phía đơn vị sau đó đã tập trung để cứu chữa cho những cá thể hổ này phục hồi sức khỏe dần lên.
 
Để đảm bảo, đơn vị này đã chỉ đạo các bác sỹ thú y làm việc tại đây cách 2 giờ đồng hồ phải thăm khám cho các con hổ 1 lần và báo cáo tình trạng để có hướng chăm sóc.
 
"Khi mà đơn vị tiếp nhận thì các con hổ này rất yếu. Bởi hổ này họ nuôi theo chế độ như gà công nghiệp. Chuồng nuôi dưới hầm, chật hẹp nên trước đó nó cũng đã yếu rồi.
 
Trong quá trình vận chuyển thì 8 con chết thì những con còn lại cũng trong tình trạng yếu như thế. Đơn vị sẽ cố gắng hết mình để cứu chữa những con hổ này. Thấy nó tỉnh là mừng cái đã, giờ phải chăm sóc nó thêm một thời gian nữa cho nó khỏe lên.
 
Hiện giờ một số con chưa chịu ăn miếng thịt nào, một số con mới ăn miếng thịt nhỏ thôi", ông Hiếu nói và cho biết, giờ về đây chuồng trại đơn vị rộng hơn, thoáng mát hơn và đơn vị sẽ nổ lực hết mình để chăm sóc cho hổ tự phục hồi dần lên.
 
 
Các con hổ sau đó được tiêm thuốc mê và vận chuyển đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm để gửi chăm sóc.
 
Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Đại Thắng - Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, ông cũng trực tiếp tham gia thời điểm Công an tỉnh Nghệ An bắt 2 cơ sở nuôi nhốt hổ ở xã Đô Thành (Yên Thành) và những con hổ này khỏe mạnh. Sau đó các con hổ được tiêm thuốc mê, cho vào lồng để chuyển đi chăm sóc.
 
8 con hổ sau đó đã chết trong quá trình vận chuyển. Ông Thắng cho biết, nguyên nhân do đâu khiến 8 con hổ chết thì chưa thể xác định được, cần phải chờ các cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ.
 
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, những cá thể hổ trong quá trình giải cứu bị chết là sự việc ngoài mong muốn của cơ quan chức năng.
 
Việc phá các chuyên án, bắt giữ các đối tượng mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã là rất cần thiết và quan trọng trong việc bảo tồn động vật lâu dài, để răn đe, giáo dục.
 
Ông Thái cũng cho biết thêm, những cá thể hổ đã được giải cứu này không thể tái thả về môi trường tự nhiên mà chỉ có thể đưa vào các khu bảo tồn, chăm sóc mang tính bảo tồn, giáo dục.
 
Bởi những cá thể hổ này đã được nuôi nhốt từ lâu, mất khả năng săn mồi, mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên nên có thể chết. Hơn nữa, hổ có thể tấn công người. Trong khi đó nó được nuôi nhốt bởi con người từ lâu, đã quá quen với sự có mặt của con người nên nếu thả về tự nhiên thì những con hổ này có thể quay trở lại khu vực dân cư để tấn công người./.