viet-a-1655099156473376064266-1655104915.jpg

Chỉ vài tháng qua, "cơn bão Việt Á" đã cuốn phăng "vào lò" 2 nguyên bộ trưởng, 1 nguyên thứ trưởng, nhiều GS, TS, thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thậm chí cả anh hùng lao động, trong đó đa phần là lãnh đạo cấp quản lý bệnh viện, sở y tế, các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) địa phương... trong vụ án liên quan kit test của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

"Cơn bão" kinh hoàng này còn tạo nên những vùng xoáy cực mạnh. Chẳng hạn trường hợp của giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt. Ông Việt mới về phụ trách CDC Hà Nội từ tháng 6-2020 thay PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm (bị bắt, lãnh án 10 năm tù vì liên quan vụ mua sắm thiết bị xét nghiệm khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội), với chức danh Phó Giám đốc phụ trách CDC, "dính" kit test của Việt Á, bất chấp cái gương tày đình trước mắt. 

Trước đó, ông Việt là Phó Giám đốc Viện Tim - mà giám đốc là GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đã bị bắt hồi tháng 12-2021 vì tội tương tự.

Điều gì khiến "cơn bão Việt Á" tàn phá kinh hoàng đến vậy? Là tiền. Chính Phan Quốc Việt - Giám đốc Công ty Việt Á khai đã chi hoa hồng trong vụ này lên đến 800 tỉ đồng.

Đau đớn nhất là "cơn bão Việt Á" tàn phá ngành y ngay trong cơn đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, khi nhiều lãnh đạo Bộ Y tế đương nhiệm đều bị kỷ luật từ nhẹ đến nặng nhất. Hậu quả của nó cho đến nay, không chỉ mất nhiều cán bộ y tế cốt cán mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của ngành y sau đại dịch. Mất mát lớn hơn nữa là ngành y tế đánh mất niềm tin của người dân.

Liên quan "cơn bão Việt Á", không thể không nói đến Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN). Một đề tài nghiên cứu khoa học về kit test của Học viện Quân y ngốn gần 20 tỉ đồng ngân sách, mà các nhà khoa học chế nhạo là nghiên cứu "tái chế cái bánh xe", vẫn được duyệt với tốc độ đáng kinh ngạc! Hàng loạt vấn đề gian dối, thiếu liêm chính trong khoa học bộc lộ nhưng cả Bộ Y tế lẫn Bộ KH-CN đều nhắm mắt duyệt.

Phát biểu tại kỳ họp tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chỉ ra thực tế "rất đáng lo ngại": "Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?". 

Ông Nguyễn Công Long cho rằng bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về y khoa. Ngoài trách nhiệm về chuyên môn, một bác sĩ được cất nhắc làm quản lý bệnh viện còn phải có trách nhiệm quản lý, điều hành một bệnh viện công, cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế... 

"Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp" - ông Nguyễn Công Long nhìn nhận.

Vấn đề đại biểu Nguyễn Công Long nêu là thực tế trong hệ thống quản lý các bệnh viện công ở nước ta và cả ngành y tế lẫn KH-CN.

Thực tế có cần một GS-TS ngành y làm bộ trưởng Bộ Y tế hay giám đốc bệnh viện? Tương tự vậy, cả với Bộ KH-CN. Bộ trưởng, thường cần một chính khách uy tín; còn giám đốc bệnh viện (CEO), cần một người điều hành giỏi như nhiều nước đã áp dụng. Cần những cải cách triệt để về thể chế quản lý 2 ngành này mới mong ngăn được những "cơn bão Việt Á" khác!