Loạt vấn đề "nóng"
Chiều 12/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, hàng loạt câu hỏi "nóng" được đặt ra liên quan đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp đóng cửa, bất cập trong điều hành xăng dầu, trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và Tài chính trong việc để xảy ra rối loạn nguồn cung; chỉ có 19/33 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối thực hiện nhập khẩu xăng dầu trong quý III, vậy sẽ xử lý thế nào...
Trả lời về công tác điều hành giá xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu; vấn đề bình ổn giá và số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục khôi phục Quỹ Bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bộ cũng đã có chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu năm 2022.
Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá. “Hiện mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp”, ông Đông nói.
Một giải pháp khác được Bộ Công Thương đưa ra chính là kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu.
Thiếu nguồn một phần do lỗi Bộ Tài chính làm chậm?
Trước câu hỏi "thị trường nhỏ nhưng có tới 33 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và 500 thương nhân phân phối, Bộ Công Thương có quản lý được không?”, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, ngoài 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện cả nước có 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu.
Theo quy định, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua do giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn nên nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.
“Các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh”, Bộ Công Thương cho hay.
Mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung, 7 doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng cũng là yếu tố gây thiếu nguồn hàng được Bộ Công Thương nêu ra.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...
Bộ này cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố vào giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu./.