Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6, tại Tiểu đoàn 261A, Trung đoàn 2, Sư đoàn 8 tiếp nhận hơn 420 bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 200 bệnh nhân được điều trị khỏi. Trong sự nỗ lực của tuyến đầu này có vợ chồng Đại úy Nguyễn Văn Công và Đại úy Phan Thị Huyền Linh.

Đại úy Nguyễn Văn Công: Tối nay em trực trực hả? Đại úy Phan Thị Huyền Linh: Dạ em đang trực! Đại úy Nguyễn Văn Công: Em trực đến mấy giờ? Đại úy Phan Thị Huyền Linh: Hôm nay em trực 5 tiếng hơn 2 giờ đêm! Đại úy Phan Thị Huyền Linh: Chiều ăn uống được không chồng? Đại úy Nguyễn Văn Công: Được, cơm ngon ăn uống đầy đủ! Đại úy Phan Thị Huyền Linh: Mai anh có trực không? Đại úy Nguyễn Văn Công: Từ 5 giờ đến sáng. Đại úy Nguyễn Văn Công: Rồi thôi ráng cố gắng trực nha. Đại úy Phan Thị Huyền Linh: Anh ngủ sớm nha! Ngủ ngon!

Vợ chồng bác sỹ quân nhân nơi tuyến đầu chống dịch
Vợ chồng Đại úy Nguyễn Văn Công và Đại úy Phan Thị Huyền Linh trước khi nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6

Đó là cuộc liên lạc qua điện thoại giữa vợ chồng Đại úy Nguyễn Văn Công và Đại úy Phan Thị Huyền Linh nơi tuyến đầu chống dịch, tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6. Mặc dù chỉ ít giây gặp nhau ngắn ngủi qua cuộc điện thoại nhưng đong đầy ý nghĩa, là sự động viên, sẻ chia giúp anh chị luôn vững tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người bác sỹ, quân nhân.

Vợ chồng bác sỹ quân nhân nơi tuyến đầu chống dịch
Đại úy Nguyễn Văn Công với nhiệm vụ của mình tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6.

Đại úy Phan Thị Huyền Linh, Bác sĩ Khoa Điều trị bệnh nhân nhẹ, là một trong 20 nữ quân y tham gia Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 từ khi kích hoạt đưa vào sử dụng. Là bác sĩ điều trị, mỗi ngày chị Linh trực tiếp thăm khám, lấy hàng chục mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, vấn để an toàn và giữ gìn sức khoẻ luôn đặt lên hàng đầu. Lúc nào chị Linh cũng như đội ngũ y, bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ kín mít, nếu thời tiết mát mẻ thì đỡ vất vả, còn thời tiết nắng nóng rất bức, ngột ngạt, di chuyển khó khăn... có thể xỉu bất cứ lúc nào.

Đại úy Phan Thị Huyền Linh tâm sự: “Tôi cũng hơi lo lắng, nhưng là người quân nhân phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua những khó khăn và thử thách… Tôi luôn coi bệnh nhân như là người nhà, phục vụ tối đa để có thể đem lại sức khỏe cho bệnh nhân, để họ mau ra khỏi viện và trở về với gia đình”.

Vợ chồng bác sỹ quân nhân nơi tuyến đầu chống dịch
Mỗi ngày chị Linh trực tiếp thăm khám, lấy hàng chục mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao

Chồng chị Linh là Đại úy Nguyễn Văn Công cùng công tác tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6, anh làm nhân viên Khoa Dược - Trang bị. Để bệnh viện sớm đi vào hoạt động, kịp thời thu dung các bệnh nhân vào chữa trị, anh Công và các nhân viên trong khoa phải nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm, vừa thiết kế vừa lắp đặt các trang thiết bị, vật tư phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Anh Công cũng phải hoàn chỉnh các kế hoạch, xây dựng danh mục thuốc, vật tư, trang bị, cũng như cấp phát, cung ứng kịp thời thuốc hàng ngày cho bệnh viện.

Đại úy Nguyễn Văn Công chia sẻ: “Xác định đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sĩ áo trắng, rất khó khăn và nguy hiểm, nhưng bản thân tôi luôn cố gắng… Đây là dịp để tôi phục vụ nhân dân”.

Những ngày tại Bệnh viện Dã chiến, với lòng nhiệt tình, trách nhiệm cao, anh Công chị Linh luôn chu đáo, tận tâm trong mọi công việc. Cưới nhau 13 năm, đây là lần đầu tiên công tác cùng một Bệnh viện, nhưng hai vợ chồng không gặp mặt, bởi đặc thù công việc của mỗi người.

Đại úy Phan Thị Huyền Linh chia sẻ, "chúng tôi cũng ít có thời gian gặp nhau. Thường thì buổi tối động viên nhau qua điện thoại, tin nhắn, qua zalo… cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Mong là công tác phòng, chống dịch sẽ đạt được hiệu quả cao để xã hội sớm quay về bình thường, để mọi người có thể quay trở về nhà và công việc của mình”.

Vợ chồng bác sỹ quân nhân nơi tuyến đầu chống dịch
Anh Công và chị Linh nhận được sự cảm phục, ngưỡng mộ của đồng nghiệp, đồng thời cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người bệnh.

"Sự hy sinh thầm lặng cống hiến và tinh thần trách nhiệm cao của anh Công và chị Linh nhận được sự cảm phục, ngưỡng mộ của đồng nghiệp, cũng như sự đánh giá cao của thủ trưởng đơn vị; đồng thời cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người bệnh"- Trung tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Chính trị, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 nhận xét./.