Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), chỉ 47 ngày sau, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng được thành lập (20/3/1930). Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân thị xã Vinh nói riêng (hồi đó Vinh còn là thị xã), nhân dân Nghệ An nói chung, có những bước chuyển biến mới.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Vinh là một thị xã có một số xí nghiệp, nhà máy, bên cảng, hãng buôn nổi tiếng của người Hoa Kiều, người Pháp... Lúc bây giờ, tuy Vinh là một thị xã nhỏ nhưng đã là một trung tâm chính trị, quân sự... của chính quyền tay sai. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Vinh có hàng ngàn quân Nhật đóng. Bè lũ chính quyền tay sai cấu kết với quân Nhật luôn luôn tìm cách lùng sục, bắt bớ, đàn áp những người yêu nước hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Nhưng ý đồ của chúng đã bị thất bại. Nhân dân thị xã Vinh nói riêng cũng như nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung vốn rất giàu lòng yêu nước. Những địa danh Làng Đỏ, Côn Mô, Trường Thi, Ngã ba Bến Thủy, v.v... cùng với tên tuổi những người đảng viên cộng sản kiên trung như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Viết Thuật, Lê Mao,... đã làm rạng rỡ cho truyền thống cách mạng của mảnh đất Vinh anh hùng. Vinh cũng là thành phố của nhiều nhà máy (như nhà máy xe lửa Trường Thi...) với hàng ngàn công nhân, đó cũng là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng.

g-1721522358.jpg
Bến Thủy năm 1920

Sau khi Nhật hất cẳng Pháp (9/3/1945), nhiều chính trị phạm (tù nhân chính trị) quê ở Vinh được thả về. Những người này đã tìm mọi cách để nhanh chóng liên lạc với các cơ sở cách mạng. Họ đã cùng với các tổ chức cách mạng giúp dân cứu đói, chống lại sự đàn áp của địch, xây dựng phong trào cách mạng để chờ thời cơ. Tình hình ở Vinh lúc bấy giờ có những nét mới. Sau khi bị Nhật đảo chính, các binh lính, viên chức và quan lại trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Vinh tỏ ra bị quan, hoang mang, rối loạn, mất lòng tin, mất phương hướng... Chính quyền thân Nhật ở Vinh mới hình thành một thời gian ngắn nên chưa ổn định. Lúc này, Đảng bộ Đảng Cọng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An đã đề ra chủ trương cho các tổ chức cách mạng tranh thủ tiếp cận, tuyên truyền, thuyết phục các phần tử trong chính quyền thân Nhật ở Vinh làm theo yều cầu của Việt Minh. Một số hào lí và lính bảo an dấn dân được ta giác ngộ đi theo cách mạng. Một nét mới nữa là trong thời gian này, chính quyền thân Nhật có chủ trương thành lập một số tổ chức quần chúng để nắm dân. Chớp thời cơ đó, ta chủ trương đưa người vào các tổ chức ấy để hoạt động hợp pháp. Tại thị xã Vinh và vùng ngoại ô, Việt Minh cũng đã gài người vào các lực lượng bảo an thân Nhật để sau đó dần dần chuyển thành lực lượng vũ trang của Việt Minh. Một sự kiện quan trọng đã diễn ra, đó là ngày 19/5/1945, Hội nghị thành lập Ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh) được tổ chức tại nhà ông Mười Uyển tại thị xã Vinh. Ông Chu Văn Biên (1912 - 2006) được bầu làm Ủy viên Ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh và được phân công chỉ đạo việc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Vinh và các huyện phía Bắc Nghệ An.

Đầu tháng 8/1945, trước sự tấn công dồn dập, mạnh mẽ, đầy khí thế của quân Đồng minh (Liên Xô, Mỹ), quân Nhật không thể đứng vững, có nguy cơ thất bại hoàn toàn, bọn Nhật ở Đông Dương lâm vào tình thế tuyệt vọng, cực kì hoang mang, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân khắp nơi trong cả nước ta lên cao chưa từng thấy. Ngày 15/8/1945, trong khi Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp thì ta được tin Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Ngay lúc đó, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chủ tịch đã ra chỉ thị phải thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa ở từng địa phương để lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, Ủy ban khởi nghĩa thị xã Vinh nhóm họp và nhận định rằng ở Vinh lúc này, mặc dù quân Nhật đang yếu thế nhưng bọn chúng vẫn còn vũ khí trong tay, nếu ta vũ trang cướp chính quyền thì sẽ có đổ máu. Do đó ta đề ra chủ trương là dùng lực lượng đông đảo của quần chúng nhân dân để tổ chức các cuộc biểu tình thị uy nhằm gây thanh thế cho cách mạng, đồng thời kết hợp với việc tuyên truyền, kêu gọi, thuyết phục bọn chúng đầu hàng để ta giành lấy chính quyền.

gg-1721522381.jpg
Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ảnh tư liệu: Bảo tàng LSQSVN

Thực hiện chủ trương đó, sáng ngày 21/8/1945, quần chúng nhân dân các khu phố ở thị xã Vinh và ở các làng xã ngoại thành Vinh bao gồm các tầng lớp công nhân, nông dân ngoại thành, dân nghèo thành thị, trí thức, lực lượng vũ trang, trang bị gậy gộc, gươm giáo, súng ống chỉnh tề, giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu, rầm rập tuần hành, thị uy dọc các đường phố của thị xã Vinh, cuối cùng toàn bộ tập trung tại sân vận động thị xã Vinh. Tại đây, thay mặt Ban chỉ huy, ông Chu Văn Biên đã phát lệnh khởi nghĩa. Đồng thời, ông Nguyễn Tài được Ban chỉ huy cử vào gập bọn chỉ huy quân Phiệt Nhật yêu cầu chúng không được can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Trước khí thể của lực lượng cách mạng, ông Oada (viên tướng Nhật lúc bây giờ) đã phải chấp nhận mọi yêu cầu của Việt Minh, đồng thời ông Oada còn hứa rằng sẽ giúp cho Việt Minh 500 khẩu súng và 10 ngàn viên đạn.

hy-1721522403.jpg
Quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh

Cũng trong khoảng thời gian ấy, lực lượng khởi nghĩa được phân công bao vây, chiếm giữ các công sở của chính quyền bù nhìn thân Nhật ở Vinh. Đội tự vệ chiến đầu thị xã Vinh do ông Trần Xuân phụ trách đã nhanh chóng tiến vào chiếm Dinh Tỉnh trưởng và Sở Mật thám. Ông Đăng Văn Hứa (Tỉnh trưởng do bọn phong kiến tay sai chỉ định lúc bấy giờ) đã cùng với các bộ phận như Bộ chánh (tương đương với cơ quan tài chính, hành chính hiện nay), Án sát (tương đương với cơ quan cảnh sát hiện nay) và các cơ quan chức năng khác đã chờ sẵn trước sảnh đường, tuyên bố đầu hàng cách mạng. Lúc này, khí thế của nhân dân đang lên cao. Đúng 12 giờ trưa ngày 21/8/1945, Chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An do ông Lê Viết Lượng (1900 - 1985) làm chủ tịch đã ra mắt đồng bào thị xã Vinh, đồng thời tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Ông Lê Viết Lượng cũng giới thiệu cho nhân dân thị xã Vinh biết ông Nguyễn Tài được cử làm Phó chủ tịch chính quyền Cách mạng Lâm thời tỉnh Nghệ An kiêm chức Thị trưởng thị xã Vinh (tương dương như Chủ tịch UBND thành phố Vinh hiện nay). Cuộc khởi nghĩa ở thị xã Vinh thắng lợi đã thúc đẩy nhanh chóng việc khởi nghĩa cướp chính quyền ở các huyện còn lại trong tỉnh Nghệ An. Chỉ trong vòng 8 ngày (18/8 đến 26/8/1945) cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã hoàn toàn thắng lợi./.