Đặc biệt từ năm 2001, khi nhậm chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ông đã bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu đô thị Vinh. Ông đã tham mưu cho Thành ủy Vinh ban hành chỉ thị về công tác nghiên cứu lịch sử và giáo dục truyền thống; đã dành tất cả tâm huyết để có được chủ trương, và đôn đốc thực hiện xong việc xây dựng nhà truyền thống Vinh với trên dưới 2.000 hiện vật quý.
Con đường nghiên cứu về Vinh của ông khác với khá nhiều người. Ông không chỉ tập trung tìm tòi nghiên cứu các văn tự, mà chú trọng đến sưu tầm, tìm hiểu các tư liệu hình ảnh. Năm 2020, ông đã sáng lập trang facebook “Vinh xưa” và hiện đã thu hút tới 41.600 thành viên tham gia vừa để lan tỏa, tạo cảm hứng cho cộng đồng quan tâm đến lịch sử thành phố Vinh, vừa là một kênh thông tin quan trọng và hữu hiệu để ông thu thập, tìm hiểu tư liệu về Vinh. Bằng nhiều con đường, bằng nhiều hình thức, với sự kỳ công gom nhặt trong suốt hơn 20 năm nên ông đã có được một quỹ hình ảnh khá lớn và quý giá về Vinh nói riêng, về Nghệ An nói chung.
Ông đã viết nhiều công trình nghiên cứu như “Văn hóa đô thị với thực tiễn thành phố Vinh”, “Tìm dấu Vinh xưa”; sưu tầm, xác minh, giới thiệu các bộ sưu tập ảnh như “Vinh xưa”, “Năm xưa tỉnh Nghệ, thành Vinh,” hoặc “Thám hiểm Nghệ An”, chủ biên cuốn “Vinh trong ký ức”, v.v… Một số tác phẩm của ông đã đạt được giải thưởng: cuốn sách “Văn hóa đô thị với thực tiễn thành phố Vinh” đạt giải Nhất giải Sáng tạo Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2009; cuốn sách ảnh “Vinh xưa” đạt 2 giải: giải Đồng Sách hay, giải Bạc Sách đẹp, Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016.
Và hiện giờ ông đang chủ trì cuộc thi “VINH CỦA TÔI” – một cuộc thi văn, thơ, ảnh tư liệu về Vinh đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo người dân trong và ngoài nước với mong mỏi lan tỏa tình yêu Vinh và cùng nhau tìm hiểu, lưu giữ các tư liệu quý giá về thành phố Vinh.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh và 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, nhà “Vinh học” Phạm Xuân Cần đã dành cho Tạp chí Sông Lam cuộc trao đổi về những điều mà ông dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu, tìm hiểu những năm qua. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
– Thưa ông!
Là người đã và đang dành hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Vinh, ông thấy quá trình đô thị hóa ở Vinh có gì đặc biệt?
Phạm Xuân Cần: Trong lịch sử đô thị Việt Nam, Vinh nằm trong số đô thị ra đời trong “tốp” 2, nghĩa là hình thành sau khi thực dân Pháp chiếm nước ta.
Dù khi nói đến Vinh, chúng ta vẫn nói đến Phượng Hoàng Trung Đô (PHTĐ), như là một mốc son trong tiến trình lịch sử, nhưng xét về mặt đô thị thì khi đó “đô” chưa thành, mà “thị” cũng đang còn nhỏ bé. Đến năm 1804, khi vua Gia Long cho dời lị sở Nghệ An từ Lam Thành – Phù Thạch về Vinh, khi đó Vinh mới hội đủ cả hai điều kiện là “đô” (với tư cách là nơi đóng bộ máy cai trị, quản lý) và “thị” (nghĩa đen là chợ, nghĩa rộng hơn là kinh tế phi nông nghiệp). Tuy nhiên, hơn tám mươi năm sau đó, Vinh vẫn chỉ là lị sở của một tỉnh nông nghiệp, dưới chế độ phong kiến, với chợ Vinh sầm uất và thành Nghệ An kín cổng cao tường.
Năm 1885, người Pháp chiếm thành Nghệ An. Ngay sau đó một làn sóng đầu tư lớn đã đổ vào Vinh, Bến Thủy. Bao gồm đầu tư của chính quyền vào cơ sở giao thông, đô thị, như đầu tư vào đường thủy, đường bộ từ Vinh đi các nơi trong nước, kể cả Lào; đầu tư xây dựng đường sắt (năm 1905 đã khánh thành đường sắt Hà Nội – Vinh); đầu tư hàng không (năm 1923 đã xây dựng sân bay Trường Thi). Bên cạnh đầu tư của chính quyền, là đầu tư của các nhà tư bản, các doanh nhân vào các công trình kinh tế, dân sinh. Làn sóng đầu tư này được bắt đầu bằng Jean Dupuis, một thương nhân tài danh, một nhà thám hiểm gan góc, đồng thời là một tên thực dân hiếu chiến. Ngay từ năm 1887, Jean Dupuis đã lập công ty, dựng lên ở Bến Thủy một cái lán tre nứa để kinh doanh lâm thổ sản. Với mối quan hệ thân hữu với cả chính phủ bảo hộ và chính quyền Nam triều, năm 1888, Jean Dupuis đã được vua Đồng Khánh trao cho một đặc quyền là vừa khai thác, buôn bán lâm thổ sản, vừa được ủy quyền thu thuế lâm sản ở ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Ông cũng được Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn cấp cho hơn 50.000 mét vuông đất từ bờ sông lên đến chân núi Quyết để xây dựng nhà máy gỗ và diêm. Đến năm 1892, Jean Dupuis bán lại cơ sở kinh doanh của mình cho anh em nhà Mange. Từ đó, anh em, mà đúng hơn là cả đại gia đình Mange đã xây dựng nên ở Bến Thủy một đế chế kinh doanh lớn nhất Trung Kỳ, đó là tập đoàn SIFA, với Nhà máy Gỗ, Nhà máy Diêm, Nhà máy Điện, chưa kể còn kinh doanh đồn điền ở Phủ Quỳ. Bên cạnh Mange còn có các nhà tư bản khác, kinh doanh về lâm sản, như công ty Laotien, hay anh em nhà Lejeune kinh doanh thương mại, một công ty khác kinh doanh muối, rượu và thuốc phiện. Một số khác kinh doanh vận tải ô tô, điện ảnh, đồn điền cao su, cà phê… Ngay sau khi chính quyền và các nhà tư bản đầu tư vào Vinh, Bến Thủy, hàng trăm doanh nhân người Việt cũng kéo về Vinh tìm cơ hội làm ăn và sinh cơ lập nghiệp, như Phạm Văn Phi, Nguyễn Đức Tư, Nguyễn Văn Tịnh, Vương Đình Châu, Bạch Thái Bưởi, Bảo Nguyên, Phú Nguyên… Một số doanh nhân người Vinh, người Nghệ cũng phát triển sản nghiệp của mình trong bối cảnh mới, như Lê Viết Lới, Trần Văn Thiêm, Trịnh Văn Ngấn, Bạch Hưng Nghiêm…
Đầu tư lớn kéo theo sự phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, thu hút thêm cư dân đến với thành phố, từ đó tạo nên sức ép buộc chính quyền điều chỉnh, mở rộng quy hoạch, từng bước lập đô thị. Trong chưa đầy 30 năm từ các trung tâm đô thị Vinh, Bến Thủy, Trường Thi đã sáp nhập để thành lập thành phố Vinh – Bến Thủy vào năm 1927.
Như vậy, có thể nói đặc điểm rõ nhất của quá trình đô thị hóa ở Vinh là nó hoàn toàn thuận theo lẽ tự nhiên, bắt đầu từ phát triển kinh tế phi nông nghiệp, từ phát triển kinh tế phi nông nghiệp dẫn đến tăng dân số cơ học, từ tăng dân số dẫn đến phát triển hạ tầng đô thị, dân sinh. Sau đó mới là định hình và phát triển đô thị. Kiểu phát triển tuần tự này khác với kiểu phát triển theo cách “cưỡng bức” ngày nay.
– Như vậy là, Vinh đã phát triển bằng thu hút đầu tư từ bên ngoài vào, để khơi dậy nội lực bên trong. Thế thì làn sóng từ bên ngoài vào rất mạnh đó chắc không chỉ tạo nên sự biến đổi về kinh tế và đô thị?
Phạm Xuân Cần: Đây chính là điều tôi muốn nói và thậm chí muốn nhấn mạnh. Làn sóng đầu tư vào Vinh, Bến Thủy không chỉ mang đến tài sản, vốn liếng và công nghệ, mà để “tiêu hóa” những thứ đó cần có con người. Mà, những con người đã dám đi tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nơi khác thì không bao giờ là kém cỏi cả. Họ vừa có vốn liếng, kiến thức, kinh nghiệm, vừa có bản lĩnh và cả khả năng thích nghi, ứng biến. Như vậy, thì bên cạnh vốn, công nghệ, Vinh, Bến Thủy thời đó còn thu hút được một nguồn lực quý báu nhất, đó chính là “nguồn nhân lực chất lượng cao” như cách nói bây giờ. Chính nguồn nhân lực mới mẻ này đã khơi dậy được tiềm năng sẵn có của mảnh đất và con người ở đây, để tạo nên sự đột phá, đột biến cho Vinh – Bến Thủy. Nhưng, không chỉ tạo ra sự đột biến về kinh tế và đô thị, chính làn sóng người từ bên ngoài vào đã tạo nên sự biến đổi văn hóa vô cùng quan trọng cho thành Vinh. Thậm chí, tôi còn cho rằng, cho đến những năm 1930, Vinh – Bến Thủy đã là một đô thị đa văn hóa.
Để làm rõ luận điểm này cũng nên trở lại trước đó một chút.
Từ năm 1804, khi vua Gia Long cho dời lị sở Nghệ An về Vinh, trên dưới 200 hộ gia đình Hoa kiều buôn bán ở Lam Thành – Phù Thạch đã hầu như ngay lập tức lục tục kéo về đây. Họ quần cư quanh khu vực chợ Vinh, lập ra Phố Khách, tức phố Cao Thắng ngày nay. Dần dà họ xây đền Nhà Ông thờ Quan Công, đền Nhà Bà thờ Thiên hậu, rồi đền thờ danh y Biển Thước, lập Hội quán Hoa kiều, mở trường tiểu học cho con em Hoa kiều… Như vậy, bên cạnh khối cư dân người Việt bản địa, thì “tiểu văn hóa Trung Hoa” này chính là “mảnh ghép” đầu tiên, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa cho Vinh.
Sau đó, như đã nói là sự xâm nhập và đầu tư của người Pháp. Ngoài xâm lược và thống trị, cũng phải thừa nhận người Pháp đến từ một nền văn minh cao hơn về nhiều mặt, so với dân ta ngày ấy. Họ đã mang đến tiếng Pháp, giáo dục và công nghệ của Pháp, phương thức sản xuất và phương thức quản lý xã hội của phương Tây, kiến trúc Pháp và lối sống Pháp… Đây là “mảnh ghép” tiếp theo, nhưng là mảnh ghép quan trọng, có tính định hướng của bức tranh đa văn hóa đang định hình ở Vinh.
Những năm đầu thế kỉ 20, khi Vinh mới có 12.000 người, thì đã có tới gần 600 người nước ngoài định cư. Năm 1940, dân số Vinh có 20.000 người thì đã có 481 người Âu, 38 người Ấn và hàng trăm gia đình Hoa Kiều định cư, làm ăn ở đây.
Bên cạnh người nước ngoài thì Vinh hồi đó cũng thu hút rất nhiều người các tỉnh khác đến đầu tư, làm ăn, buôn bán. Ngoài những hãng, nhà băng, công ty, khách sạn do người Tây đầu tư, hàng loạt các nhà tư bản người Việt nổi tiếng cũng từ Hà Nội, và các tỉnh phía bắc vào Vinh đầu tư. Công nghiệp phát triển đã kéo theo hàng ngàn công nhân, tiểu thương từ các tỉnh khác đến Vinh. Riêng Nhà máy Xe lửa Trường Thi giai đoạn đầu chủ yếu là thợ người Bắc, họ đã lập thành “xóm Bắc Kỳ” ở khu vực chợ Quán Lau bây giờ. Những nhân vật nối tiếng như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sỹ Trọng Loan, nhà thơ Chính Hữu, hay chị em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, danh thủ bóng đá Trần Xuân… đều là con của những người từ bắc vào Vinh lập nghiệp. Đây cũng là một mảnh ghép lớn, quan trọng làm cho sự đa dạng văn hóa của Vinh càng thêm phong phú.
Sự đa dạng văn hóa của Vinh thời kỳ này đã in đậm dấu ấn trên diện mạo đô thị. Bên cạnh làng mạc và những ngôi nhà, các công trình văn hóa tín ngưỡng truyền thống, ở Vinh còn có cả một dãy phố, cùng nhiều công trình văn hóa, tôn giáo của người Hoa. Đặc biệt, dấu ấn văn hóa Pháp in đậm trong phong cách cấu trúc đô thị và kiến trúc các công trình, nhất là các công trình tiêu biểu như Nhà Ga, Dinh Công sứ, Câu lạc bộ, Tòa án, Bưu điện, Bệnh viện Vinh…
Bên cạnh các sinh hoạt văn hóa truyền thống, với nhà hát tuồng Thái Mộng Đài, Vinh có hai rạp chiếu bóng kiêm luôn chức năng nhà hát, với các buổi diễn thuyết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, hoặc các buổi biểu diễn ca nhạc và kịch theo lối mới. Năm 1920, vở kịch “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được dàn dựng và biểu diễn ở Hà Nội, mở đầu cho nền kịch nói hiện đại của người Việt. Thì, một năm sau, “Chén thuốc độc” đã được thầy trò Quốc học Vinh dàn dựng và biểu diễn ở Vinh, Thanh Hóa và Nam Định. Năm 1921 cũng là năm “Lam Thành túc cầu đội”, một đội bóng của người Việt lần đầu tiên được thành lập ở Vinh, sau đó là hàng chục đội bóng khác. Các môn thể thao khác như quyền Anh, bơi lội, xe đạp, quần vợt, bóng bàn, điền kinh… cũng rất phát triển ở Vinh.
Như vậy văn hóa đô thị Vinh thời thuộc Pháp đã được tạo nên bởi những mảnh ghép khác biệt, đến từ những khối người khác nhau. Nhưng, quan trọng hơn là sự tương tác, giao thoa và tiếp biến giữa các mảnh ghép đó, dẫn đến những biến đổi sâu rộng trong đời sống văn hóa, tạo nên một đô thị Vinh cởi mở và năng động.
– Nói đến đa dạng văn hóa tức là chúng ta nói đến rất nhiều yếu tố. Đó là vấn đề dân cư, là các mối quan hệ xã hội, là sự phát triển của đời sống kinh tế, là các thiết chế văn hóa, kiến trúc, là đời sống văn chương nghệ thuật, báo chí, v.v… Trong đó, văn chương, báo chí có thể nói là một biểu hiện vừa mang tính hình thức, vừa phản chiếu chiều sâu sự phát triển của đa dạng văn hóa. Ông có thể chia sẻ sâu hơn, cụ thể hơn về vấn đề này với bạn đọc Tạp chí Sông Lam không ạ?
Phạm Xuân Cần: Đây chắc chắn là vấn đề thú vị nhất, nhưng chúng ta cũng chỉ có thể điểm qua đôi nét, vì hiện nay chưa có nghiên cứu sâu về đời sống văn chương thời thuộc Pháp ở Vinh.
Là thủ phủ của xứ Nghệ, Vinh đương nhiên có đời sống văn hóa truyền thống, trong đó có văn chương, mang bản sắc xứ Nghệ, bên cạnh văn chương theo lối cũ lấy chữ Hán làm phương tiện. Mặc dù khoa thi Hương năm 1919 ở Vinh là khoa thi cuối cùng, nhưng có thể nói, Nghệ An là đất cựu học, nên văn học theo lối kinh điển, dùng chữ Hán, vẫn rất sôi nổi trong thời kỳ này, ảnh hưởng vào cả báo chí lúc bấy giờ. Nhiều tờ báo, như Thanh Nghệ Tịnh tân văn vẫn dành 1 đến 2 trang thơ, văn chữ Hán. Cuộc thi thơ Đường về Hành Cung và phú về nông giang, năm 1932, 1933 trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, thu hút hơn 330 tác giả với hàng nghìn bài dự thi vẫn dùng chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Ban Giám khảo cuộc thi này mời đến bốn vị tiến sĩ, là các nhà khoa bảng của ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh thời bấy giờ tham gia.
Thế nhưng, thời kỳ này cũng bắt đầu và dần định hình một đời sống văn chương mới, lấy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp làm phương tiện. Có thể quan sát được đời sống văn chương thời đó trên hai lĩnh vực đặc trưng là báo chí và xuất bản.
Thời thuộc Pháp Vinh là trung tâm giáo dục, báo chí của cả vùng Bắc Trung Kỳ. Cùng với nhiều trường tiểu học, ở đây có trường Quốc học Vinh, không chỉ là cơ sở giáo dục tân học, mà còn là một trung tâm học vấn, quy tụ các trí thức hàng đầu trong khu vực. Đây là một yếu tố rất quan trọng, không những cung cấp người đọc, mà còn cung cấp những nhà sáng tạo nội dung cho văn chương, học thuật. Vinh cũng là nơi thu hút, là chốn đi về quen thuộc của giới trí thức, văn nghệ sĩ của Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Vinh cũng đã từng tồn tại 17 tờ báo, với ngôn ngữ là Việt, Hán, Pháp. Các tờ báo này hầu hết là báo chính trị – xã hội tổng hợp, nhưng đều dành từ 1 đến 2 trang cho văn chương, bao gồm cả văn, thơ truyền thống (bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ) và văn chương theo lối mới. Ví dụ báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn, vừa đăng các bài thơ, phú bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, vừa đăng tải các tiểu thuyết dịch từ tiếng Pháp (do Nguyễn Văn Vĩnh dịch), các thiên du ký, hoặc các phóng sự dài kỳ của các nhà văn trong nước. Báo Sao Mai năm 1939 từng đăng cả tiểu thuyết dài kỳ, truyện ngắn của Đặng Văn Đăng, tức ông Bút Tre lừng danh sau này. Đặc biệt, thời thuộc Pháp ở Vinh đã từng tồn tại hai tờ báo chuyên về văn chương, đó là tờ Tiểu thuyết thứ hai của Lê Hữu Nhơn và La Nouvelle Revue Indochinoise (NRI, Đông Dương tân tạp chí). Đông dương tân tạp chí viết bằng tiếng Pháp, do bà Christiane Fournier là Tổng Biên tập và Nguyễn Đức Giảng làm Chủ nhiệm. Tờ báo này tồn tại được gần 5 năm (1936 – 1940), là diễn đàn uy tín, thu hút rất nhiều cây bút có tên tuổi của Việt Nam và Pháp tham gia.
Ở Vinh cũng có một số nhà xuất bản có uy tín, trong đó có Nguyễn Đức Tư và Châu Tịnh ấn quán, vừa là nhà in vừa là nhà xuất bản đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Một số tác phẩm quan trọng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu được xuất bản bởi Châu Tịnh ấn quán, năm 1932 tạp chí An Nam tạp chí của ông cũng được in ở đây.
Về đội ngũ sáng tạo nội dung, trước hết phải kể đến các học giả, nhà nghiên cứu ở Quốc học Vinh, như Đốc học Le Breton, Huấn đạo Đào Đăng Hy, Giải nguyên Lê Thước, Phó bảng Phan Sỹ Bàng, Cử nhân Nguyễn Hiệt Chi… Tác phẩm “Truyện cụ Nguyễn Du” của Lê Thước và Phan Sỹ Bàng, xuất bản năm 1924, đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du. Cuốn “Sách mẹo tiếng Nam” của thầy Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt…
Báo chí ở Vinh cũng có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam thời đó và sau này, như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đức Bính… Ngay cả cụ Phan Bội Châu cũng góp một số truyện ngắn đặc sắc trên báo Trung Kỳ của Vương Đình Quang. Bài bút chiến nổi tiếng “Nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh” của nhà văn cộng sản Hải Triều, lần đầu tiên được in cũng là trên báo Trung Kỳ của Vương Đình Quang, xuất bản ở Vinh.
Ở Vinh cũng có hai nhà văn, nhà báo viết bằng tiếng Pháp rất nổi tiếng đương thời là Nguyễn Đức Bính và Nguyễn Đức Giảng.
Như vậy, có thể nói đời sống văn chương thời kỳ này đã khởi sắc thực sự, với nhiều hoạt động đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, dù sao cái gọi là “đời sống văn chương” lúc đó cũng mới chỉ dành cho một thiểu số ít ỏi có học, ở đô thị là chính, chứ chưa có được mức độ phổ cập và ảnh hưởng rộng lớn như sau này.
– Như vậy, Vinh đã từng là một đô thị đa văn hóa. Thế còn hiện nay?
Phạm Xuân Cần: Sau nhiều biến cố của lịch sử, cùng với thời gian Vinh đã phát triển và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, văn minh. Thế nhưng, về khía cạnh đa văn hóa thì Vinh hầu như đã thụt lùi. Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với người Pháp, các doanh nghiệp nước ngoài cũng rời bỏ Vinh. Các biến cố tiếp theo như tiêu thổ kháng chiến, chiến tranh phá hoại, sự kiện năm 1979 cũng là những tác nhân làm cho số doanh nhân người Hoa, người Ấn… lần lượt “biến mất” khỏi Vinh.
Từ sau đổi mới, mặc dù kinh tế xã hội của Vinh đã khởi sắc và phát triển nhanh chóng, Vinh đã được nâng cấp, nâng tầm, nhưng xem ra “hệ số mở” của Vinh vẫn không được cải thiện bao nhiêu, chí ít là về chỉ số người nước ngoài, tỉnh ngoài đến định cư ở đây. Số liệu điều tra dân số năm 2009, cho thấy dân số Nghệ An giảm. Các số liệu quản lý nhân hộ khẩu của Công an thành phố Vinh nhiều năm cũng ghi nhận không có sự chênh lệch đáng kể giữa số người chuyển đi và chuyển đến. Đặc biệt, một thống kê được lọc từ dữ liệu quản lý nhân hộ khẩu của Công an Thành phố Vinh năm 2008 cho thấy số người nước ngoài thường trú ở Vinh hầu như không có, số người có nguồn gốc ngoài tỉnh cũng không nhiều.
– Trong tổng số 30.465 người có nguồn gốc ngoại tỉnh ở Vinh, thì người Hà Tĩnh có 23.278 người, chiếm 76,41%. Mà, người Hà Tĩnh là ai? Họ thực chất cũng là người Nghệ!
– Số người có nguồn gốc từ 9 tỉnh, thành khác chỉ có 6.737 người, chiếm phần còn lại. Trong số này có trên một nửa được sinh ra ở Vinh, nghĩa là thế hệ ông bà, cha mẹ họ đã đến đây sinh cơ lập nghiệp từ thời thuộc Pháp, hoặc trong thời kỳ chống Mỹ.
– Ở Vinh cũng có trên dưới vài trăm hộ gia đình là Việt kiều từ Thái Lan về nước những năm 60 của thế kỷ trước. Họ cũng là những người gốc Nghệ.
Tuy là số liệu của năm 2008, nhưng sau đó Vinh mở rộng thêm 6 xã của Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thì các tỷ lệ trên đây còn bị pha loãng hơn nữa.
Từ những căn cứ nói trên, có thể khẳng định rằng những người có nguồn gốc ngoại tỉnh ở Vinh số lượng không nhiều, không những họ không thể tạo nên một tiểu văn hóa riêng (như những người nhập cư ở một số thành phố khác), có ảnh hưởng tích cực đến thành phố bản địa, mà ngược lại, họ đã bị “Nghệ hóa” rất nhiều. Hay nói một cách khác thành phố Vinh hiện nay là thành phố của người Nghệ! Sự thuần nhất, hay chính xác hơn sự đơn điệu này là một thiệt thòi, một điểm yếu, rất yếu của thành phố quê ta.
Vậy nên, trong chiến lược phát triển của thành phố cần phải đặt vấn đề làm sao cho Vinh trở thành một đô thị mở, một nơi thực sự là “đất lành chim đậu” cho người tứ phương. Không lẽ gì một đô thị từng được tổ chức Định cư con người của Liên hiệp quốc (HABITAT) bình chọn là một trong ba đô thị có tiềm năng phát triển nhất thế giới, lại chỉ là đô thị của người Nghệ?
– Trong khi cố gắng khôi phục lại tính đa văn hóa thì thành Vinh có những yếu tố gì cho sự phát triển, thưa ông?
Phạm Xuân Cần: Yếu tố đa văn hóa, như mô tả ở trên là sự chung sống và tương tác lẫn nhau giữa các mảnh ghép khác biệt. Nay, yếu tố “các mảnh ghép” tuy không còn như xưa, nhưng Vinh vẫn là nơi đã và đang kết tinh văn hóa xứ Nghệ, tiếp biến các giá trị văn hóa đô thị hiện đại, để hình thành bản sắc văn hóa Vinh. Nếu như xứ Nghệ là một tiểu vùng văn hóa độc đáo, thì những nét độc đáo đó được hội tụ và kết tinh ở Vinh. Rất nhiều những nét văn hóa độc đáo của xứ Nghệ không phải phát nguồn từ Vinh, nhưng khi về Vinh, hoặc với Vinh nó được hoàn thiện và nâng cấp. Con người và ngôn ngữ của xứ Nghệ là một ví dụ. Có thể nói rằng con người Vinh không phải là trung bình cộng của con người các vùng miền ở Nghệ Tĩnh. Đó là một sự chắt lọc, biến đổi và thích ứng trong điều kiện đô thị. Vì vậy, những gì tốt đẹp của con người Nghệ đều có ở đây. Nhưng, những gì gọi là hạn chế thì đã được gạn lọc bớt, bởi dân trí cao hơn, bởi cuộc sống đô thị buộc phải thế. Ngôn ngữ và giọng nói cũng vậy. Tiếng Vinh là tiếng Nghệ, nhưng đó là tiếng Nghệ của đô thị, một thứ “phổ thông” của tiếng Nghệ. Kể cả trong giao tiếp và ứng xử, một mặt con người Vinh vẫn giữ được sự thuần hậu chất phác của con người Nghệ, mặt khác đã tỏ ra mềm mỏng và tinh tế hơn, khả năng thích ứng cũng cao hơn. Các lĩnh vực khác cũng vậy, chúng ta luôn thấy đậm đà chất Nghệ, nhưng cái chất đó được thể hiện qua một màu sắc mới, hiện đại hơn, văn minh hơn. Đó chính là những động lực mới cho phát triển bền vững.
Nói như thế, không có nghĩa mọi thứ ở Vinh đều tốt đẹp hơn. Không hẳn và không phải như thế. Đời sống đô thị phức tạp hơn nhiều so với nông thôn. Vinh cũng là nơi phát sinh và tiếp nhận rất nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực về văn hóa.
– Thành Vinh hôm nay đã vào tuổi 60. Theo ông, thì thành phố Vinh cần phải làm gì để tạo nên sự đa dạng văn hóa bền vững và biến nó trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển thành phố trong tương lai gần?
Phạm Xuân Cần: Thực ra tính “tuổi khai sinh” thì phảỉ tính từ 1804, tức là Vinh đã có 219 tuổi, không thua tuổi nước Mỹ bao nhiêu. Nếu tính từ tuổi trưởng thành, được gọi là “thành phố” cũng phải tính từ năm 1927, tức là đã 96 tuổi. Còn nếu tính dưới chế độ mới thì năm nay 60 tuổi. Nhưng, thực tế, Vinh mới chỉ được yên ổn để xây dựng từ 50 năm nay thôi. Tính liên tục trong đứt đoạn, vì vậy là một đặc điểm của văn hóa đô thị Vinh. Vinh “rất xưa và rất trẻ” là vì thế.
Vấn đề cốt lõi của Vinh là xây dựng văn hóa đô thị. Văn hóa đô thị mang tính “nhân tạo” nhiều hơn. Nghĩa là không thể chờ nó từ từ hình thành, qua hàng ngàn năm, như văn hóa làng xã. Nó cần phải được xây dựng và rèn tập, cần thể chế và sự quản lý chặt chẽ.
Vinh không nên chậm trễ nữa trong việc xây dựng, phát triển đa dạng văn hóa. Cần có một “hệ số mở” cho Vinh. Trong đó, sự thông thoáng trong chính sách, trong cách nhìn nhận, cách chấp nhận sự đa dạng về nhận thức, quan điểm, lối sống… là những yếu tố then chốt để Vinh trở lại là nơi “đất lành chim đậu”.
– Ông có niềm tin về một thành Vinh đa văn hóa trong tương lai?
Phạm Xuân Cần: Tôi tin bởi trong bối cảnh hiện nay Vinh thực sự có nhu cầu này để tạo thêm động lực cho sự phát triển. Hiện Vinh đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế – xã hội, đặc biệt là sự tăng cường về giao lưu văn hóa với các tỉnh, thành trong nước và với các nước trên thế giới. Bối cảnh toàn cầu hóa cũng buộc chúng ta không thể chối bỏ sự vận động tất yếu của đa dạng văn hóa trong xã hội.
Tôi tin đến một lúc nào đó Vinh lại tái định vị là đô thị đa văn hóa. Tuy nhiên, hình hài đa văn hóa của Vinh sau này sẽ rất khác thời thuộc Pháp, với các “mảnh ghép” như đã nói. Nó sẽ được nâng lên và chắc chắn sẽ ở một dạng khác. Và đó là câu chuyện của hàng chục năm tới. Chúng ta hãy cùng chờ đón sự vận động tất yếu này.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!