Dự kiến chi phí nhiên liệu tăng cao dẫn đến kế hoạch tiếp tục lỗ trong năm 2022
Thị trường hàng không từ đầu năm chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ do các hạn chế đi lại được dỡ bỏ và nhu cầu dồn nén từ.
Theo ban lãnh đạo, lượng hành khách nội địa trong 5T2022 cao hơn 30% so với mức tiền đại dịch. Sản lượng quốc tế cũng tăng nhưng với tốc độ chậm hơn do chính sách mở lại các chuyến bay quốc tế bị chậm hơn, dao động quanh mức 10% của năm 2019 trong 5T 2022 và tăng lên 20% vào tháng 6 năm 2022.
Ban lãnh đạo dự kiến thị trường quốc tế sẽ đạt mức 55-60% năng lực khai thác vào cuối năm, nhưng điều này vẫn phụ thuộc vào các biện pháp chính sách phòng dịch theo mỗi quốc gia.
Với sự phục hồi mạnh mẽ này, HVN đã công bố doanh thu đáng khích lệ trong Q1/2022 là 11,6 nghìn tỷ đồng (+56% YoY và +27% QoQ), mức cao nhất kể từ Q2-2020. Mặc dù doanh thu khả quan, công ty vẫn ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh chính, với lợi nhuận gộp và EBIT lần lượt ở mức -1,595 tỷ đồng và -2,350 tỷ đồng do chi phí nhiên liệu tăng nhanh.
Theo ban lãnh đạo, giá Jet A1 trung bình trong 6T2022 là khoảng 126 USD/thùng và cao hơn ~75% so với mức trung bình năm 2021, trong khi giá hiện tại là khoảng 165 USD/thùng. Do đó, chi phí nhiên liệu đã chiếm khoảng 40% OPEX trong 1H2022 và có thể chiếm tới 50% tổng OPEX nếu giá Jet A1 duy trì ở mức này trong 2H2022.
Vì HVN không phòng hộ sự biến động của giá nhiên liệu bằng các hợp đồng tương lai do thiếu khung pháp lý cho các doanh nghiệp Nhà nước, việc giá nhiên liệu máy bay tiếp tục tăng sẽ gây rủi ro lớn hơn lên mức sụt giảm lợi nhuận.
Do đó, mặc dù HVN đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng vẫn đặt kế hoạch lỗ ròng cho năm 2022 (Bảng 1). VDSC đánh giá rủi ro hủy niêm yết trên sàn HOSE khá cao, nếu HVN tiếp tục kinh doanh thua lỗ trong năm 2022, do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025
Công ty sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, trong đó giải pháp trọng tâm hướng đến việc tái cơ cấu tài sản (đội tàu, đầu tư vào các công ty con) và tăng vốn điều lệ, giai đoạn 2022-25. Phương án này đã được thông ĐHCĐ và sẽ trình cấp lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tái cơ cấu nguồn vốn: Công ty sẽ (1) tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ vào năm 2022-23 và năm 2024-25 nếu tình hình tài chính chưa cải thiện;
(2) phát hành trái phiếu thông qua phát hành ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 2023-24. Thông tin chi tiết không được tiết lộ. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tái cơ cấu lại các khoản nợ dài hạn hiện tại theo hướng giãn hạn trả nợ cũng như xây dựng phương án vay trong gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Tái cơ cấu khoản đầu tư vào các công ty con: HVN đã cố gắng thực hiện các thủ tục thoái vốn và đạt được thỏa thuận khả quan trong thương vụ K6 (HVN nhận 35 triệu USD, tương đương 35% cổ phần tại K6).
Tuy nhiên, tiến độ chuyển nhượng cổ phần còn chậm do một số vướng mắc về hành lang pháp lý cần giải quyết. Ngoài ra, HVN có kế hoạch thoái vốn của Pacific Airlines (PA). Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo do PA vẫn còn lỗ lũy kế nên thủ tục thoái vốn vẫn vướng nhiều cơ chế.
Cơ cấu lại đội tàu bay: Công ty đã đàm phán với bên cho thuê tàu bay về việc gia hạn, lùi thời hạn thanh toán, giảm thanh toán tiền thuê, lùi lịch nhận tàu bay mới (Boeing B787-10, Airbus A320 Neo) và hủy 50% tổng số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.
Trong giai đoạn 2021-25, HVN dự kiến bán 32 máy bay, bao gồm 26 máy bay A321 CEO và 6 máy bay ATR72. Năm 2021, HVN đã bán thành công 1 chiếc A321 và ghi nhận lợi nhuận là 88 tỷ đồng.
Trong trường hợp quá trình thanh lý gặp khó khăn, công ty sẽ thực hiện các thỏa thuận Bán và thuê lại (SLB). Kế hoạch SLB trong năm nay bao gồm hai chiếc A321 CEO và hai động cơ dự phòng./.