Ngày 28.10, bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam (đoàn TP Hà Nội) chia sẻ.

Cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách phát huy vai trò người cao tuổi

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, hiện nay cả nước có 12 triệu người cao tuổi, trong đó có gần 10 triệu hội viên tham gia tổ chức Hội Người cao tuổi. Người cao tuổi nước ta đang được Đảng, Nhà nước, các địa phương và tổ chức Hội Người cao tuổi quan tâm, chăm lo nhiều hơn.

Chính sách đối với người cao tuổi đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, tiếp tục tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đóng góp vật chất, ngày công, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tích cực góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

3248-20221028-154351-2-1667015770.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam . Ảnh: Lê Kiên

Người cao tuổi tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Qua dư luận và nắm bắt thực tế, người cao tuổi rất vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó:

Các cử tri cao tuổi luôn đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch bệnh của đất nước. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; phục hồi, phát triển kinh tế nhanh, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chú trọng. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả rất đáng phấn khởi.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết kịp thời. Công tác phối hợp lực lượng bảo vệ an ninh tại cơ sở, biên giới, biển đảo được tăng cường góp phần tạo cuộc sống bình yên cho người dân và cộng đồng. Kết quả đó đã thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, sự đồng thuận cao trong Đảng, trong nhân dân, trong đó có đóng góp tích cực của người cao tuổi.

Bên cạnh những kết quả đạt được của đất nước, hiện nay cử tri người cao tuổi cả nước còn băn khoăn, lo lắng trước tình trạng dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường.

Đời sống của một bộ phận nhân dân ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn; công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Người cao tuổi sống trong hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao; hiện còn 5% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Chính sách bảo trợ còn bất cập, chính sách bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn; cơ chế chính sách phát huy vai trò người cao tuổi chưa được cụ thể hóa…đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Về công tác phát huy vai trò người cao tuổi

Đại biểu Trương Xuân Cừ khẳng định, vai trò người cao tuổi đã được lịch sử ghi nhận từ Hội nghị Diên hồng đến Lời kêu gọi Phụ lão cứu quốc năm 1941 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng, gia đình.

Trong những năm qua người cao tuổi trong các nước đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Hiện cả nước có 65 vạn là Bí thư, tổ trưởng thôn bản, dân phố, là những người đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào xây dựng khối đại đoàn kết, phong trào xây dựng gia đình mẫu mực, gia đình văn hóa.

Có khoảng 6,5 triệu người cao tuổi vẫn đang tham gia lao động sản xuất, kinh doanh là chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chủ các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, tổ cộng đồng phòng chống dịch covid…

Đội ngũ trí thức có trình độ cao, có học hàm PGS, GS người cao tuổi chiếm tỷ lệ rất đáng kể. Tỷ lệ Hội Người cao tuổi chiếm phần lớn trong các đoàn thể chính trị xã hội cao: Hội Cựu chiến binh 65%, Hội Phụ nữ 55%, Hội Nông dân 50%.

Đặc biệt cử tri người cao tuổi với Quốc hội có mối quan tâm rất lớn. Các Hội nghị tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, HĐND, cử tri người cao tuổi đã tham gia ý kiến có chất lượng, tâm huyết, có tính xây dựng cao.

Do vậy, phát huy vai trò người cao tuổi trong tình hình mới là một yêu cầu cấp thiết. Để phát huy vai trò người cao tuổi từng hội viên cử tri người cao tuổi mong muốn Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách động viên khuyến khích người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đại biểu Trương Xuân Cừ kiến nghị.

Về vấn đề chăm sóc người cao tuổi

Việt Nam có truyền thống văn hóa, đạo đức, đạo lý người cao tuổi là được gia đình, cộng đồng, xã hội kính trọng và có trách nhiệm phụng dưỡng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Kính trọng và chăm sóc người cao tuổi luôn bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa.

Được Đảng và Nhà nước quan tâm với quan điểm con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Quan điểm này đã được cụ thể hóa bằng các chương trình phát triển con người Việt Nam từ lúc sơ sinh đến người cao tuổi.

2743-nguoigia-1667015833.jpg
Tuổi thọ người Việt Nam cao, già hóa dân số ngày càng nhanh. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ boăn khoăn trước thực trạng là tuổi thọ người Việt Nam cao, già hóa nhanh. Đến năm 2050 dự báo tuổi thọ trung bình người Việt Nam là 80 (đứng đầu Châu Á, thứ 2 Đông Nam Á sau Singapore 82 tuổi).

Đối với người cao tuổi Đảng và Nhà nước ta có các chủ trương, chính sách rất thiết thực: Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, công tác xã hội hóa chăm sóc người cao tuổi, chương trình khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe….đã tác động tích cực đến đời sống người cao tuổi; làm cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, hạnh phúc, có ích và trường thọ.

Tuy nhiên do tốc độ già hóa quá nhanh, thời gian chuẩn bị thích ứng với già hóa dân số lại ngắn, tích lũy quốc gia còn hạn hẹp nên một số chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Từ thực tiễn trên cử tri người cao tuổi trong cả nước kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ một số vấn đề sau:

1. Sửa Luật Người cao tuổi: Đã thực hiện hơn 12 năm, một số điều không còn phù hợp, nhất là tốc độ già hóa, rất già và siêu già của Việt Nam quá nhanh.

2. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò người cao tuổi;

- Số lượng tăng nhanh: 48 triệu năm 2030, 28 triệu năm 2050.

- Chất lượng rất cao: Có trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh, rất nhiệt huyết.

3. Mua thẻ bảo hiểm y tế: Hiện còn khoảng 4% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

4. Người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo cả nước được hưởng chương trình bảo trợ xã hội (thay vì chỉ ở vùng dân tộc và miền núi đặc biệt khó khăn).

5. Có chủ trương, cơ chế, chính sách xây dựng các trung tâm dưỡng lão người cao tuổi bằng hình thức xã hội hóa (hiện mới chỉ đáp ứng 0,001%)./.