Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), về một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 21 của UBTVQH.

Báo cáo cho thấy, trong hai năm 2021 và 2022, Viện KSND các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can.

7-1679119775.jpeg
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20-3

Tỉ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử. Trong đó, VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ, điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành KSND còn có tồn tại, hạn chế như còn xảy ra một số trường hợp toà án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố.

Trong báo cáo gửi UBTVQH, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nêu rõ những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân do một số quy định của pháp luật còn chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời nên dẫn đến khó khăn hoặc không thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm; Một số loại tội phạm mới, phi truyền thống phát sinh.

Ngoài ra, một số điều tra viên, kiểm sát viên được giao giải quyết vụ việc còn hạn chế về năng lực, trình độ chưa theo kịp với thực tiễn, ý thức trách nhiệm chưa cao, nóng vội, thiếu thận trọng khi quyết định khởi tố và phê chuẩn khởi tố bị can dẫn đến đánh giá tài liệu, chứng cứ, hành vi vi phạm chưa chính xác nên có các đề xuất, quan điểm xử lý, giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp.

Để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của ngành, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi, nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Theo ông Lê Minh Trí, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi nên trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.

Tại phiên họp thứ 21, UBTVQH sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến nội dung này sẽ được dành 1 ngày vào ngày 20-3 đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình và Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí chịu trách nhiệm trả lời chính.

Bộ trưởng các Bộ Công an, Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực có thể tham gia báo cáo giải trình thêm nội dung này.

Theo Minh Chiến -nld.com.vn