Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đặt chân tới Đài Loan vào tối 2/8 nhằm thể hiện sự ủng hộ với hòn đảo bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan trong 25 năm qua và diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng.
Trong thông báo ngay sau khi tới Đài Loan, bà Pelosi cùng phái đoàn Mỹ cho biết chuyến thăm nhằm thể hiện cam kết không thể lay chuyển của Mỹ nhằm ủng hộ nền dân chủ Đài Loan. Trước đó, bà Pelosi vốn là người luôn có quan điểm đối lập với Trung Quốc, từng nhấn mạnh việc Mỹ thể hiện ủng hộ với Đài Loan là rất quan trọng.
Phản ứng trước động thái trên, Trung Quốc đã đưa ra một loạt động thái gay gắt. Trong đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo khẳng định chuyến thăm sẽ để lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng chính trị trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định “Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhằm phản ứng trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ”.
Mới nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên án chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Ngày 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ra thông báo lên án chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc.
Ông Vương kêu gọi Mỹ ngừng ảo tưởng về việc can thiệp vào quá trình thống nhất của Trung Quốc, phá hoại sự phát triển của Trung Quốc, thao túng tình hình địa chính trị. Một lần nữa, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh Đài Loan là một phần của Trung Quốc và việc thống nhất với đại lục là xu hướng lịch sử không thể khác được.
Ông Vương khẳng định Trung Quốc sẽ không để cho các thế lực ly khai đòi độc lập ở Đài Loan hoặc các thế lực bên ngoài can thiệp.
“Mỹ đã đưa Đài Loan vào chiến lược khu vực và kích động đối đầu - những hành vi đi ngược lại xu hướng phát triển trong khu vực và kỳ vọng của người dân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Vương nói, nhấn mạnh đây là hành vi rất nguy hiểm.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, nguyên tắc "Một Trung Quốc" đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản trong quan hệ quốc tế và tạo thành một phần trong trật tự quốc tế sau Thế chiến II. Điều Mỹ cần làm là ngừng vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, ngừng “chơi quân bài Đài Loan” và gây căng thẳng tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nền tảng cơ bản để duy trì hòa bình, ổn định tại Eo biển Đài Loan là nguyên tắc "Một Trung Quốc". “Hành lang bảo vệ” cho quan hệ hòa bình giữa Trung Quốc - Mỹ là 3 thông cáo chung giữa 2 nước. Ông Vương cũng khẳng định việc Mỹ sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại.
Câu hỏi đặt ra - Tại sao Trung Quốc “nổi giận” trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi? Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia cho biết, vị trí của bà Pelosi trong Chính quyền Mỹ đã khiến chuyến thăm Đài Loan của bà mang tính khiêu khích hơn đối với Bắc Kinh.
Bà Susan L. Shirk, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 có trụ sở tại Mỹ, lý giải nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ là nhân vật xếp thứ 2 trong danh sách kế nhiệm Tổng thống, vì vậy bà là nhân vật rất quan trọng trên chính trường Mỹ và khác với các thành viên Quốc hội khác.
Đáng nói là, bà Pelosi không phải Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên tới thăm Đài Loan. Trước đó, năm 1997, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là ông Newt Gingrich đã có chuyến thăm Đài Bắc chỉ ít ngày sau khi tới Bắc Kinh và Thượng Hải. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích chuyến thăm của ông Gingrich nhưng theo các chuyên gia, phản ứng của Trung Quốc khi đó chủ yếu là đưa ra cảnh báo.
Nay, sau 25 năm, phản ứng của Bắc Kinh được cho là có phần quyết liệt hơn. Hãng tin CNN dẫn lời các chuyên gia lý giải rằng, ngày nay Trung Quốc đã có vị thế mạnh mẽ và quyền lực hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình từng khẳng định rõ Bắc Kinh sẽ không dung thứ cho những hành động thách thức lợi ích của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc liên quan tới vấn đề Đài Loan
Mỹ bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và không còn có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan vào năm 1979.
Tuy nhiên, theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ vẫn cam kết cung cấp vũ khí giúp hòn đảo nâng cao năng lực phòng vệ và áp dụng chính sách "mơ hồ chiến lược", không công khai hỗ trợ hòn đảo phòng thủ bằng biện pháp quân sự.
Vài năm gần đây, trong khi căng thẳng giữa Washington - Bắc Kinh leo thang, Mỹ liên tục có nhiều động thái hợp tác và cam kết với hòn đảo qua việc cung cấp vũ khí và gửi phái đoàn tới thăm đảo. Kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật Đi lại Đài Loan năm 2018, các quan chức, nghị sĩ Mỹ đã thực hiện hơn 20 chuyến thăm đảo, theo thống kê của CNN.
Từ đó, Bắc Kinh cũng phản ứng rất mạnh mẽ và cáo buộc Mỹ “chơi quân bài Đài Loan” để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc leo thang xung quanh thông tin bà Pelosi có thể tới thăm Đài Loan trong chuyến công du châu Á vào tháng 8, ông Tập cảnh báo Mỹ “đừng đùa với lửa” về vấn đề Đài loan.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định chính sách của nước này về vấn đề Đài Loan ‘không thay đổi”. Thông báo của Nhà Trắng về nội dung cuộc điện đàm khẳng định: “Mỹ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc gây tổn hại tới hòa bình, ổn định tại Eo biển Đài Loan”./.