Chỉ một ngày sau thắng lợi vang dội của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan tại trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 31, danh sách tập trung của U23 Việt Nam chuẩn bị tham dự VCK U23 châu Á vào tháng 6 tới do HLV mới Gong Oh-kyun cầm lái được công bố. Theo đó, có 25 cầu thủ được triệu tập, trong đó có 14 người vừa giành tấm HCV SEA Games và những cái tên tiêu biểu từng được gọi tập trung song song với quá trình thi đấu của thầy trò ông Park Hang-seo. Cùng lúc, HLV Park Hang-seo cũng công bố danh sách tập trung ĐT Việt Nam trước trận giao hữu với ĐT Apganistan.
Điều khiến người hâm mộ bóng đá nói chung và người hâm mộ bóng đá Xứ Nghệ nói riêng cảm thấy băn khoăn, tiếc nuối và đặt câu hỏi là vì sao trong các bản danh sách này, nhất là ở U23 Việt Nam mấy đợt liên tiếp hoàn toàn vắng bóng các cầu thủ của lò đào tạo trẻ nổi tiếng SLNA?
Hãy nhìn lại thời kỳ phát triển rực rỡ của bóng đá Việt, bắt đầu từ khi HLV người Hàn Quốc, ông Park Hang-seo về cầm lái, năm 2017. Giải đấu chính thức đầu tiên HLV này ra mắt là VCK U23 châu Á 2018 ở Thường Châu-Trung Quốc và quân số SLNA được gọi lúc bấy giờ là Văn Đức và Xuân Mạnh, là 2 trường hợp được gọi… vớt nhưng đã kịp thời tỏa sáng, sau này một trong hai người trở thành “trò cưng” của thầy cho đến nay.
Hai giải đấu quan trọng và thành công của HLV Park Hang-seo là AFF Cup 2018 và SEA Games 30-2019, quân số từ lò SLNA ở ĐT Việt Nam vẫn chỉ là Văn Đức (không kể Ngọc Hải và Trọng Hoàng đã chuyển đi), còn tại U23 có Trọng Hoàng trên 23 tuổi nhưng đang là người của Viettel. Tại SEA Games 31 vừa qua, danh sách cuối cùng 20 tuyển thủ cũng không có cái tên nào của SLNA, dù lọt vào vòng 25 người có tên tiền vệ Văn Lắm, chưa kể trước đó còn có những cái tên như Văn Việt, Sỹ Hoàng, Bá Sang…Và tại VCK U23 châu Á 2022 này, cũng không có cái tên SLNA nào, dù HLV trưởng U23 Việt Nam được chuyển tiếp từ HLV Park Hang-seo sang cái tên hoàn toàn mới là Gong Oh-kyun.
Để thấy, dù trong quá khứ thành tích đào tạo trẻ của lò SLNA là rất đáng nể nhưng gần đây đã bị tụt lại trước đà phát triển mạnh mẽ của các lò Hà Nội, Viettel, HAGL, PVF, lò SLNA có thể liên tiếp giành ngôi đầu trong các giải đấu U11, U13, U15, U17… mới nhất là thành tích của lứa Đinh Xuân Tiến-Văn Cường tại giải U17 năm 2020 nhưng lên đến lứa U19, U21 lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tại giải U17 năm 2020 nói trên, Xuân Tiến và đồng đội hoàn toàn làm chủ cuộc chơi trước những đối thủ cùng trang lứa nhưng chỉ 2 năm sau, tại VCK giải U19, SLNA vẫn với những nhân tài đó nhưng trở lại “dưới cơ” và thua liểng xiểng trước U19 Học viện NutiFood, U19 Hà Nội, U19 Vettel…? Hy vọng lớn nhất của lò SLNA chính là lứa cầu thủ này nhưng họ nhanh chóng bị tụt lại chỉ sau một vài năm như cách Văn Trường của U19 Hà Nội vừa được gọi lên U23 Việt Nam, còn Xuân Tiến dù đầy hy vọng thì cũng còn xa vời vợi để vươn tới giấc mơ huy hoàng?
Vậy tại sao nền tảng từ đầu tốt mà càng lên cao, thành tích của những “nhà vô địch nhí” SLNA càng xuống thấp so với đối thủ? Phải chăng “đầu vào” của SLNA, vốn chỉ tuyển sinh chủ yếu trong tỉnh, không so được với các lò khác, khi họ tuyển sinh rộng rãi nguồn trong cả vùng, cả nước? Phải chăng, đào tạo trẻ bằng kinh nghiệm, theo các phương pháp cũ đã không thể sánh được với các phương pháp khoa học, tiên tiến, do các ông thầy nước ngoài truyền dạy? Trả lời được các câu hỏi này, phải chăng là tìm ra “đáp số” cụ thể cho việc càng ngày quân số của lò SLNA càng vắng bóng trong các đợt "chốt sổ” chính thức ở các giải đấu quan trọng nhất của bóng đá nước nhà?
Tiện thể, xin được dẫn lại lời của tuyển thủ U23 Việt Nam Văn Xuân tham dự SEA Games 31 nhân chuyện nói về đào tạo trẻ. Văn Xuân từng được đào tạo tại lò PVF, từng thi đấu tại CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và nay thuộc quân số của Hà Nội FC, là người thay thế vị trí của Văn Hậu khi cầu thủ này điều trị chấn thương. Văn Xuân kể rằng, hồi luyện tập ở PVF cũng như khi về Hà Nội FC rằng, “ không phải lo thứ gì, chỉ việc tập trung chơi bóng. Nhưng đã chơi là phải ra ngô ra khoai. Không vô địch là thất bại”. Và điều quan trọng nhất giúp cầu thủ này cùng các đồng đội trở nên bản lĩnh hơn là thường xuyên được thi đấu cọ xát “Những nơi khác cầu thủ trẻ chỉ được đá trên dưới 10 trận/ năm. Chúng tôi đá 20 trận là bình thường. Năm 2016, tôi được chơi tới khoảng 60 trận, được du đấu nước ngoài liên tục. Trong đó có khoảng 30 trận tại Nhật Bản…”
Trong khi ở đâu đó cứ thỏa mãn, tự hào với những thành tích ban đầu, thành tích thi đấu nội bộ, thi đấu với những đội bóng nặng tính phong trào thì khi đối đầu với những lò như PVF nơi Văn Xuân từng tập luyện, lò Viettel của Thanh Bình, Mạnh Dũng, Tuấn Tài… chỉ có thất bại toàn diện mà thôi. Đó là chưa kể chuyện cầu thủ tài năng “chữa chấn thương bằng tự đắp lá” thì “mơ” gì nổi chuyện đi xa, tiến dài về phía trước?
Điều cần nói là trong các lần được triệu tập đội tuyển, đâu chỉ có người của Hà Nội, Viettel, HAGL…với sự cạnh tranh quyết liệt như cách Văn Tùng, Văn Trường mới thi đấu lứa U19 đã “qua mặt” được các đàn anh Xuân Tú, Văn Đạt (cùng ở CLB Hà Nội) để lọt vào danh sách chính thức, mà còn có cả Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương…? Ở đó không có “lò” đáng tự hào nào cả mà vẫn có những ngôi sao thượng thặng được gọi lên tuyển, trong khi lò vang bóng SLNA 3-4 năm nay chỉ “đậu” lại một cách chật vật mỗi Văn Đức, nay có thêm Ngọc Hải vừa trở lại, mà thôi?
Tất nhiên vẫn còn một “cửa” an ủi là có thể nhiều cầu thủ SLNA tài giỏi nhưng không hợp với triết lý bóng đá của thầy Park, thầy Gong, như cách Văn Quyết, Hữu Tuấn, Văn Triền, Văn Vũ… phải chấp nhận lâu nay. Vậy thì hãy cố gắng, chăm chỉ, vượt lên, thể hiện bằng được phẩm chất, năng lực của mình ở một sân chơi khác, như V. League, như AFF Champions chẳng hạn?
Đến khi đó, dù được gọi, không được gọi cũng không việc gì phải băn khoăn, trăn trở mà chỉ cần niềm tin ở chính mình là đủ, là đúng?./.