Sáng nay (29/3), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật, vì quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước hoặc không còn phù hợp.
Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của quỹ…
Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các vấn đề nêu trên và chỉnh sửa các điều 42, 43 và 44 để thấy được tính cấp thiết, khả thi của việc xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập nêu trên, do vậy đề nghị bỏ mục 2 (các điều 42, 43, 44) và bổ sung chính sách khuyến khích thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như quy định tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật.
Cơ quan trình dự án Luật đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 với các lý do trong Tờ trình số 335/TTr-Cp ngày 23/9/2021 của Chính phủ.
Do vậy, Thường trực Ủy ban trình các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến 2 phương án: Phương án 1 là bỏ mục 2 gồm 3 điều 42, 43, 44 ra khỏi dự thảo Luật. Phương án 2 giữ quy định tại mục 2 lại như dự thảo Luật.
Bên cạnh một số nội dung nêu trên, Thường trực đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi kèm báo cáo.
Về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 14), ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về chủ thể đầu tư dự án phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Có ý kiến đề nghị bổ sung chủ thể đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước tại địa phương, tổ chức chính trị tại Trung ương. Có ý kiến đề nghị cần huy động thêm nguồn lực xã hội để thực hiện.
"Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục xin tiếp thu và chỉnh lý như Điều 14 dự thảo Luật" - ông Vinh nói và cho biết đa số ý kiến nhất trí với hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài ra, có ý kiến băn khoăn vì thiếu tiêu chí cụ thể xác định phim giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể phim được giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, giao Chính phủ quy định danh mục phim đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho biết sẽ tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định các hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim trong các trường hợp, loại phim cụ thể./.