Cần giảm bớt mật độ dân cư ở khu tập thể
Nhìn nhận về tình hình dịch bệnh ở Thủ đô hiện nay, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, các khu vực ngoại thành Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, ổn định, tuy nhiên, ở các quận khu vực nội thành còn nguy cơ.
"Nóng" nhất hiện nay là ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, hiện đã ghi nhận 308 ca dương tính. Đây là ổ dịch tương đối phức tạp khi có tốc độ lây lan nhanh, sâu ở Thủ đô.
Theo ông Tuấn, ổ dịch Thanh Xuân Trung ghi nhận nhiều ca nhiễm như vậy, là do đã ở đây trải qua một số chu kỳ lây nhiễm chứ không phải mới. Trong khi đó, khu vực này mật độ dân cư đông, một số khu tập thể cũ người dân dùng chung nhà vệ sinh.
"Đây là nguy cơ rất lớn, do dùng chung nhà vệ sinh mà khiến khu này có tỷ lệ lây nhiễm lớn như thế. Thường dùng chung nhà vệ sinh thì phải đứng chờ nhau vào buổi sáng hay buổi tối nên dẫn đến có sự tiếp xúc gần", ông Tuấn cho hay.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, hiện ổ dịch này đã phong tỏa chặt. Tuy nhiên, đang phải đề xuất quận có giải pháp giảm mật độ người ở trong khu vực này đi. Bởi mặc dù đã đưa F1 và F0 đi tương đối nhiều nhưng khu phong toả vẫn còn rất đông người, điều kiện sinh hoạt dễ lây nhiễm vì đây là khu chung cư cũ.
Còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội
Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhìn nhận, Thủ đô có nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau.
Theo ông Dũng, những ca bệnh, chùm ca bệnh mới phát sinh những ngày gần đây cho thấy còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc.
Ngay cả các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong". Vẫn còn hiện tượng người dân ra đường đông, ra đường không cần thiết, có cơ quan đơn vị chưa siết chặt việc cấp giấy đi đường.
"Nếu người dân không thực hiện nghiêm giãn cách ở những ngày còn lại thì rất khó để khẳng định dừng hay tiếp tục thực hiện giãn cách", Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết.
Nói thêm về nguyên nhân phát sinh các ổ dịch dù đã giãn cách xã hội, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, vẫn còn những khu nguy cơ, những đối tượng nguy cơ chưa xét nghiệm được hết để bóc tách triệt để F0 khỏi cộng đồng.
Ngoài ra, có những trường hợp ho sốt cộng đồng không thông báo ngay với cơ quan chức năng để có thể xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng sớm nhất.
"Hiện nay vẫn có nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, khi phát hiện thì đã mắc được nhiều ngày nên nguy cơ lây nhiễm cao", ông Tuấn nói.
Nói về khả năng có tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, phụ thuộc vào ý thức của người dân trong thực hiện giãn cách xã hội trong những ngày còn lại.
Ông Tuấn cho hay, nếu không thực hiện nghiêm giãn cách xã hội thì chỉ một ca F0 lọt sang vùng khác là có nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới ngay.
"Nếu thực hiện nghiêm giãn cách thì nếu có F0 thì cũng chỉ ở khu vực nhỏ, hộ gia đình, hay là một vài gia đình ảnh hưởng thôi", ông Tuấn nói.