Trong quá trình lao động và sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, người dân nơi đây đã sớm sáng tạo ra những làn điệu ví, giặm ngọt ngào. Cùng với sự đổi thay, biến chuyển của đời sống xã hội, vẫn còn đó một dòng chảy dân ca lưu truyền theo năm tháng được gìn giữ.
Thứ sáu, ngày 17/08/2012 - 15:24

Mạch nguồn đằm thắm

Anh Phan Ðăng Thuận, một thành viên câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm Kỳ Thư (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tham gia Liên hoan ví, giặm xứ Nghệ lần thứ nhất năm 2012 tại TP Vinh vừa qua cho biết: "Tôi và đội của mình rất háo hức khi tham gia liên hoan. Trong xu thế dân ca đang bị lãng quên thì đây là một hoạt động đáng quý vì nó góp phần vực dậy được bản sắc văn hóa quê hương". Không chỉ có anh Thuận mà tất cả các diễn viên về dự liên hoan đều mang trong mình khát vọng và tình cảm chung ấy. Với trái tim nồng đượm tình yêu dân ca của những nghệ sĩ "chân đất" ấy, chắc chắn ngọn lửa say mê ví, giặm sẽ được truyền đến nhiều người khác. Thành viên các CLB háo hức, nhưng khán giả cũng rất nhiệt tình, đến xem đông đảo. Có những người đã khăn gói xuống TP Vinh ở mấy ngày để cổ vũ cho đội nhà. Một nông dân ở xã Thạch Thanh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) không ngại đường xa đến với Liên hoan ở Nghệ An cho biết: "Liên hoan diễn ra đúng vụ mùa, bận lắm nhưng buổi tối tôi cũng tranh thủ thời gian chạy xe xuống xem và cổ vũ cho hàng xóm của mình. Lâu lắm mới thấy một liên hoan dân ca ví, giặm lớn và hay như thế được tổ chức. Tôi mong muốn dân ca quê hương tôi sẽ được cả nước biết đến nhiều hơn bởi làn điệu này hay lắm, đẹp lắm".

Với người dân xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là món ăn tinh thần, là dòng sữa ngọt góp phần hình thành và nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Trong từng điệu hò, câu ví ẩn hiện, thấp thoáng đâu đó sự chân chất, mộc mạc, vừa sâu lắng, vừa trữ tình... Những điệu hò, câu ví đã gắn bó với nhiều người từ khi sinh ra, lớn lên và mang lại cho họ những cung bậc cảm xúc tinh tế, nhạy cảm nhất trong tâm hồn. Những đêm hội hát ví, hát giặm ở các làng quê là môi trường tạo lập nên các mối quan hệ văn hóa giữa con người với con người; trở thành phương tiện kết nối, xây đắp tình làng nghĩa xóm, tình cảm cộng đồng, tình yêu đôi lứa... Chính những làn điệu ví, giặm đã chắp cánh, dung dưỡng các bậc nho sĩ tài danh: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... và khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều (Nguyễn Du)... Giai điệu, ca từ của điệu hò câu ví xứ Nghệ đã ảnh hưởng đến tâm hồn và phong cách sáng tác của nhiều nhạc sĩ, để rồi theo đó nhiều tác phẩm âm nhạc hiện đại như: Ðêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hà Tĩnh mình thương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh... ra đời. Những khúc ca với giai điệu trữ tình, đằm thắm, với lời ca sâu sắc đã góp phần to lớn trong việc giáo dục phẩm chất, đạo đức, lẽ sống, tình yêu và ý chí của nhiều tầng lớp nhân dân.

Nhưng cuộc sống hiện đại với những đổi thay đã dần dần đẩy dân ca xa rời các sinh hoạt hằng ngày, khiến các loại hình diễn xướng dân gian bị mai một. Ngày nay, những câu hò ví, giặm ở các miền quê xứ Nghệ nhiều khi chỉ còn trên truyền hình, trên băng đĩa. Mai một là một thực tế của dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Minh chứng là những làn điệu ví, giặm cổ đang dần dần thất truyền. Các nghệ nhân hát ví, hát giặm trông đi ngoảnh lại chẳng còn có mấy người và tuổi đều đã cao. Lớp trẻ một thời theo nhau lớn lên từ điệu hò, câu ví nhưng đáng buồn nay nhiều người trong số họ không còn nhớ, còn thuộc lấy câu nào. Thị hiếu âm nhạc đã thay đổi nhiều do ảnh hưởng của các dòng âm nhạc hiện đại, câu hò, điệu ví cũng theo đó vơi dần đi...

Tuy nhiên, dân ca ví, giặm như một mạch nguồn không bao giờ cạn trong dòng chảy đời sống nhân dân xứ Nghệ mà chỉ cần được khơi đúng là nguồn mạch ấy lại tuôn trào mạnh mẽ. Sự ra đời các CLB dân ca tại các xã là một trong những động thái tích cực của ngành văn hóa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã khôi phục lại phần nào niềm yêu mến những khúc hát dân ca trong lòng nhân dân. Với 120 CLB hát dân ca ví, giặm (Hà Tĩnh 50 CLB, Nghệ An 70 CLB), con số chứng minh sức sống của những làn điệu dân ca này chưa bao giờ dứt trong đời sống người dân xứ Nghệ. Và Liên hoan ví, giặm xứ Nghệ lần thứ nhất năm 2012 vừa qua với chủ đề "Ví, giặm - Lung linh hồn quê Xứ Nghệ" là minh chứng hùng hồn. Liên hoan đã cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca cổ Hà Tĩnh trong trái tim nhân dân và cả trong sinh hoạt thường nhật.

Ðể câu hò mãi vang xa...

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 70 câu lạc bộ đàn và hát dân ca với hơn 2.000 thành viên,  trong đó có tám người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Các CLB này từ trước đến nay vốn hoạt động trong điều kiện kinh phí khó khăn, bởi thành phần chủ yếu là những người nông dân, lao động phổ thông nhưng với niềm tình yêu dân ca ví, giặm quê nhà họ vẫn say mê tập luyện để gìn giữ là lưu truyền điệu hát di sản của quê hương. Việc tổ chức liên hoan ví, giặm mới đây của UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là một chủ trương, hướng đi đúng đắn đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Theo ban tổ chức, lễ khai mạc đã thu hút hơn mười nghìn người dân đến xem và cổ vũ. Chương trình giao lưu dân ca ví, giặm xứ Nghệ được tổ chức tại bốn điểm là Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Kim Liên (Nam Ðàn), Nghi Hương (thị xã Cửa Lò), Nghi Liên (TP Vinh), với sự tham gia nhiệt tình của các CLB, thu hút hàng nghìn người xem đã cho thấy niềm say mê và tình yêu đối với điệu hát câu hò của quê hương xứ sở chưa bao giờ dứt trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ.

Chính những "nghệ sĩ nông dân", hằng ngày gắn bó với đồng ruộng đang lưu giữ di sản văn hóa của cha ông bằng cả tấm lòng yêu mến, quý trọng... Ðã có bảy năm tham gia CLB hát dân ca ví, giặm, chị Trần Thị Hương (CLB xã Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Công việc gia đình hiện cũng khá vất vả vì có nhiều ruộng vườn, chuồng trại, ao hồ chăn nuôi, song những lúc mệt mỏi đến với dân ca ví, giặm thì cảm giác đó hầu như tan biến. Dân ca đã như nguồn động viên lớn trong cuộc sống của tôi".

Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, vùng đất sáng tạo và lưu giữ di sản văn hóa độc đáo của dân tộc đang nỗ lực với những hoạt động bảo tồn và khơi dậy tình yêu đối với điệu hát đã một thời ngấm vào máu thịt của người dân xứ Nghệ. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh Võ Hồng Hải, để di sản âm nhạc quý giá này có sức sống mạnh mẽ và sức lan tỏa hơn, hai tỉnh sẽ đẩy mạnh phong trào phát triển CLB dân ca ví, giặm đến tận làng, khối, xóm, thôn và các cơ quan đơn vị, trường học, để tạo dựng tình yêu với dân ca trong đông đảo người dân, biết yêu và biết hát dân ca. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng dân ca ví, giặm xứ Nghệ nói chung.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện cũng có 50 CLB dân ca ví, giặm, trong đó, riêng huyện Nghi Xuân đã có đến 18 câu lạc bộ. Có những hội viên tuổi đã ngoài 80 như cụ Ðinh Văn Tùng (82 tuổi) CLB xã Xuân Lam đến những học sinh mới tròn mười tuổi như Nguyễn Thị Thu Hà (CLB xã Xuân Hồng). Bằng những tình cảm mộc mạc, chân quê và niềm say mê nghệ thuật sâu sắc, những diễn viên, "nghệ sĩ" nông dân, chân lấm, tay bùn, một nắng hai sương làm ra hạt thóc củ khoai, vẫn ngày đêm gìn giữ những câu hát mượt mà và những tác phẩm nghệ thuật ví, giặm có giá trị nhân văn sâu sắc, thấm đậm tình yêu quê hương đất nước. Có thể nói, ví giặm đã là tình yêu chung của người dân xứ Nghệ bất kể tuổi tác. Cho đến nay, những cái tên như: CLB ví giặm Xuân Giang, Xuân Liên, Xuân Hồng, Cương Gián... đã trở thành "địa chỉ đỏ" để những người yêu dân ca ví, giặm tìm đến, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Một trong các cách làm hay trong bảo tồn và phát triển dân ca ví, giặm là việc xây dựng các câu lạc bộ và đưa phong trào hát dân ca vào các trường học từ mười năm nay của Nghệ An. Ðó là những nỗ lực của các cấp, các ngành nhằm giữ gìn và phát huy giá trị lan tỏa của di sản nghệ thuật truyền thống quý giá. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ đã được đề ra. Ðầu năm 2012, một Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, giặm xứ Nghệ" được tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc sắc này của xứ Nghệ. Thời gian tới, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ có sự phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể để đưa điệu hò ví, giặm trở thành di sản được cả thế giới biết đến. Trong đó có việc phối hợp xây dựng và trình Hồ sơ khoa học dân ca, ví, giặm xứ Nghệ đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và tiến tới xin ý kiến của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong lộ trình ấy, nhiệm vụ quan trọng là gây dựng lại tập quán sinh hoạt hát ví, giặm. Một tập quán sinh hoạt nên thơ, mộc mạc mà sâu đậm nghĩa tình, giản dị mà thấm đượm ý nghĩa nhân văn của cha ông giữa đời sống còn nhiều vất vả. Trước mắt, từ sinh hoạt của các CLB dân ca ví, giặm xứ Nghệ, ngành văn hóa hai tỉnh đã và đang đánh thức dậy trong công chúng tình yêu dân ca và sự trân trọng với những giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật ông cha để lại.