Chủ tịch xã đi xin “đất” của người dân

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xã Nghi Ân, Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An hoàn thành được tuyến đường nối 2 xóm Kim Tân – Hòa Hợp. Đoạn đường này, trước đây là tuyến đường đất duy nhất, nhỏ hẹp, chỉ vừa một chiếc ô tô nhỏ chạy, quanh năm lầy lội. Chỉ trong vòng 2 tháng, đoạn đường này đã được xây phẳng lì, rộng 8m, dài 420m. Theo đó, chỉ riêng phần giá trị rải thảm đường là hơn 2 tỷ đồng, còn giá trị đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp người dân hiến để mở rộng đường thì không thể tính toán được.

Ở tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp, người dân đã hiến 105m2 đất ở, 659,88m2 đất nông nghiệp; tháo dỡ 55 mét tường xây, 15m2 trại chăn nuôi, 25m sân bê tông, 45m hàng rào cây… Bây giờ con đường đã thẳng tắp, hai xe ô tô lớn tránh nhau thoải mái. 

Theo ông Chu Văn Mai, Chủ tịch xã Nghi Ân, thực ra, không phải ngay từ đầu tất cả người dân đều đồng thuận với việc hiến đất mở đường, dù chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động, tổ chức các cuộc họp thông tin về chủ trương này. "Chính quyền vận động bà con hiến đất, nói cho cùng là xin bà con nhường lại một phần đất của mình. Bà còn có ủng hộ chủ trương, nguyện có hiến đất thì mới mở rộng, rồi bê tông hóa đường giao thông", ông Mai chia sẻ.

Ngày xưa, con đường cũ cắt ngang, chia diện tích đất ở của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huy, (SN 1989, trú xóm Hòa Hợp) thành hai. Con đường cắt ngang chia đôi một bên là nhà, một bên là trang trại chăn nuôi. Việc mở rộng con đường mới cần cả phần đất phía nhà và trang trại. “Tính ra, việc làm đường đi qua nhà tôi cũng ngót nghét 200m2, chưa kể tường rào, một phần trang trại và kho. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định đập hết, rồi lùi vào trong, xây lại. Trước đây lũ lụt, cả trang trại gà nghìn con phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, do đường nhỏ xe ô tô không thể quay đầu được. Rồi mỗi lần xe đến giao thức ăn, mua gà choán hết đường, giao thông ách tắc. Tuy nhiên, con đường mới, hai xe tránh nhau thoải mái”, anh Huy cho biết.

dsc07635-1647009275.jpg
Anh Huy đã hiến dần 200m2 đất để làm đường chung.  

Không chỉ anh Huy, ông Nguyễn Duy Mậu, SN 1949 cũng hiến phần đất trị giá gần 400 triệu đồng để làm đường. Theo đó, ông Mậu đã hiến 1,2m chiều ngang, dài 38m phần đất ở của gia đình, tính ra là hơn 45m2, đồng nghĩa với việc phá toàn bộ tường rào phía sau nhà và 70m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường. Việc ông hiến đường trị giá hàng trăm triệu đồng khiến cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Bởi theo giá đất hiện tại là hơn 9 triệu đồng/m2, đó là chưa kể việc giá đất đang tăng vùn vụt từng ngày. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn quả quyết hiến đất để xây đường. “Già rồi, chết cũng không mang đất đi theo được. Mình hiến đất làm đường cho dân làng, con cháu mình đi cho sạch sẽ an toàn chứ thiệt vào đâu. May mắn, vợ và các con, đặc biệt người con cả ủng hộ quyết định này của tôi”, ông Mậu cho biết.

Đồng lòng với người dân

Ông Phạm Văn Hiến, SN 1961, cũng hiến gần 100m2 đất ruộng để làm đường. Trước đó, người đàn ông này cũng chưa đồng ý hiến đất. Tuy nhiên, nhờ sự vận động, giải thích của chính quyền địa phương người đàn ông này đã đồng ý hiến đất để làm đường. 

Chủ tịch xã Chu Văn Mai đích thân tổ chức các cuộc họp bàn về việc mở đường với người dân. Vị chủ tịch này, giải thích thêm một lần nữa về chủ trương, hiệu quả của việc mở rộng đường. Xi măng đã được nhà nước hỗ trợ, mong người dân ủng hộ, tham gia vào chủ trương lớn này bằng cách nhường lại một phần đất của mình.

dsc076831-1647009315.jpg
Ông Chu Văn Mai, Chủ tịch xã Nghi Ân kể về hành trình vận động người dân hiến đất làm đường.  

Nếu người dân đồng lòng thì ông Mai cam kết trong vòng 2 tháng là hoàn thành con đường vào dịp Tết Nguyên đán để bà con nhân dân có đường mới rộng rãi, sạch đẹp đi lại. Nghe ông Mai giải thích, ông Hiến đã đồng ý hiến đất để mở đường.

Tin tưởng chính quyền xã, người dân đồng loạt hiến đất, lùi tường rào để mở rộng. Đúng như cam kết của xã, 2 tháng sau, tuyến đường này hoàn tất trong sự hồ hởi của người dân. Từ đây, phong trào hiến đất làm đường bắt đầu lan nhanh trong xã. 

Theo đó, toàn tuyến đường này có chiều dài 1.400m đi qua 3 xóm: Kim Chi, Kim Liên và Kim Phúc, nối sang xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Trong đó có gần 50 hộ dân hiến đất ruộng, hàng chục hộ dân hiến đất vườn, đất ở với tổng diện tích lên tới 2.000m2.

“Phải lắng nghe dân, công khai, minh bạch với dân về các chính sách, chủ trương chương trình dự án thì sẽ được dân ủng hộ. Nếu dân chưa đồng thuận thì kiên trì vận động. Quan trọng phải làm dân tin, hứa với dân như thế nào thì phải làm như vậy, phải minh bạch từ chủ trương đến thực hiện”, ông Chu Văn Mai cho biết./.