44-1728977563.jpg

Sau đó, giai đoạn 1935-1941, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kì cách mạng như: Hội Phản đế Liên minh (3/1935 - 10/1936), Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938), Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương (11/1940 - 5/1941).

Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp - Nhật lấy tên là Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh).

Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Chương trình của Mặt trận Việt Minh cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ Nhân dân tương lai sẽ thực hiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao và đối với các tầng lớp Nhân dân.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Về tổ chức, Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Ở xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kì có Ban Chấp ủy Việt Minh cấp ấy; toàn quốc thì có Tổng bộ Việt Minh.

Với chủ trương, chính sách đúng đắn, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được ngày càng đông đảo các tầng lớp, giai cấp có tinh thần yêu nước và chống đế quốc thực dân vào các hội cứu quốc như: Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Nhi đồng cứu quốc... Các hội cứu quốc sau đó đều là thành viên nòng cốt của Mặt trận Việt Minh.

Đầu tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và kêu gọi Nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Ngày 12/4/1945, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc.

Đến giữa năm 1945, Mặt trận Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Sự phát triển của Mặt trận Việt Minh đã tạo điệu kiện cho Đảng ta xây dựng các căn cứ địa cách mạng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng.

Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kì kháng chiến, kiến quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh đã thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách đóng góp sức của mình để thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời vào ngày 1/1/1946, Chính phủ liên hiệp Kháng chiến vào ngày 2/3/1946 và sau đó là Chính phủ liên hiệp Quốc dân vào ngày 3/11/1946.

Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập vào ngày 25/9/1946. Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động đông đảo Nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 3/3/1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất lại thành Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Về sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Với lực lượng đoàn kết ấy, chúng ta sẽ vượt qua hết thảy mọi khó khăn, gian khổ, chúng ta sẽ đánh tan tất cả mọi kẻ thù đế quốc thực dân” . Đúng như nhận định của Người, Mặt trận Liên Việt sau đó không ngừng lớn mạnh, tạo nên sức mạnh to lớn khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 25/4/1961, kết thúc bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại câu khẩu hiệu mà lần đầu đã phát biểu cách đó 10 năm (1951) tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh-Liên Việt: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” .

Bên cạnh đó, từ cao trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20/12/1960. Sau đó, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cũng ra đời vào ngày 20/4/1968.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã góp phần to lớn trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Từ ngày 31/1/1977 đến 4/2/1977 tại TP Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta đề cao và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII của Đảng (2021) đã nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỉ XXI.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước ta đã khẳng định việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.