Giải pháp công nghệ chính là một trong ba mũi tấn công phòng chống dịch Covid-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra khi thực hiện chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công là: Xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vaccine quyết định.
Báo Giao thông phỏng vấn ông Đỗ Công Anh, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin & Truyền thông về các giải pháp công nghệ sẽ được áp dụng trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.
Khai báo y tế bằng giấy là chưa chấp hành tốt
Thưa ông, nhiều người cho rằng đang có quá nhiều app khai báo y tế điện tử, điều này gây khó khăn cho người dùng. Vì sao không tích hợp hoặc chỉ sử dụng 1 cổng thông tin khai báo?
Tôi xin khẳng định là cho dù dùng bất kỳ công nghệ nào thì cũng là nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho người dân. Áp dụng khai báo điện tử thì người dân không phải đi lại trình báo, không mất thời gian khai báo bằng giấy.
Về khai báo điện tử thì có các bộ giải pháp bao gồm: Bluezone (ứng dụng cảnh báo nếu tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19), Ncovi (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); VHD (Vietnam Health Declaration, Ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh).
Dù là các hệ thống nhưng các dữ liệu đã gộp vào một chỗ và dữ liệu đó đã cung cấp được cho địa phương để họ quản lý.
Theo ông, đã có app khai báo điện tử, tại sao khi vào bệnh viện hay đi qua các chốt phòng dịch địa phương vẫn phải khai báo bằng giấy, mất rất nhiều thời gian?
Những nơi yêu cầu người dân khai báo y tế bằng giấy là những nơi chưa chấp hành tốt, bởi vì Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhiều lần về khai báo y tế điện tử.
Khai báo y tế giấy mất thời gian của người dân và sẽ rất khó khăn trong việc truy vết, bởi cơ quan chức năng phải làm thủ công, tìm từng tờ giấy khai báo y tế của từng người sau đó đọc từng địa điểm họ đã đến rồi mới ra được kết quả truy vết.
Khi khai báo y tế điện tử, người dân chỉ cần ngồi nhà cũng khai báo được và dữ liệu sẽ được cơ quan chức năng truy xuất dễ dàng.
Tới đây, sẽ có những giải pháp công nghệ nào được cải tiến để hiệu quả truy vết cao hơn, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về chủ động tấn công, áp dụng công nghệ vào phòng chống Covid-19, Bộ TT&TT đã nghiên cứu và ban hành “bộ giải pháp công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”.
Bộ giải pháp là sự kết hợp của các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các giải pháp công nghệ và các biện pháp hành chính của chính quyền, trong đó giải pháp công nghệ được đẩy mạnh.
Bộ giải pháp công nghệ bao gồm Bluezone; Ncovi; VHD (Khai báo y tế cho người nhập cảnh); Hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (Mã QR Code) và Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19.
Để bộ giải pháp hoạt động hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả thành phần trong xã hội. Bởi một số công nghệ chủ chốt thì phải bắt buộc, tỷ lệ người dùng phải đủ cao.
Sắp áp dụng vòng đeo tay phòng chống Covid-19
Bộ TT&TT vừa đề xuất áp dụng vòng đeo tay phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta có thể kỳ vọng gì vào giải pháp công nghệ này?
Chúng tôi đang nghiên cứu và sắp đưa vào áp dụng vòng đeo tay phòng chống dịch Covid-19 với hai chức năng chính.
Thứ nhất, phát hiện tiếp xúc gần dựa trên công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (có cơ chế hoạt động tương tự các ứng dụng truy vết), thứ hai là kiểm tra tuân thủ của các đối tượng đang trong quá trình cách ly y tế bắt buộc dựa trên công nghệ định vị GPS.
Việc sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm khắc phục một số nhược điểm của điện thoại thông minh (smartphone) như người dùng chủ động tắt Bluetooth hoặc GPS, người dùng không mang theo điện thoại thông minh bên người hoặc người dùng tắt điện thoại thông minh.
Chính phủ đã khuyến khích cài đặt Bluezone hơn 1 năm nay, đến nay kết quả như thế nào? Việc này đã góp phần truy vết được những trường hợp nào?
Giải pháp truy vết và khai báo y tế điện tử được đang được chúng tôi triển khai bằng phần mềm VHD (Vietnam Health Declaration), Bluezone, Ncovi.
Tại đợt dịch lần 2 ở Hai Dương bùng phát thì theo thống kê gần 90% trong 11% của những trường hợp truy vết thủ công không tìm ra thì Bluezone đã tìm được. Bởi vì Hải Dương lúc đó tỷ lệ người cài đặt Bluezone cao.
Nơi công cộng, nhà hàng, quán ăn… là những điểm mà Bluezone phát huy tác dụng nhất, bởi lúc đó đa phần là người dân tiếp xúc với người lạ mặt. Khi đó Bluezone như là “mắt thần”, phát hiện và ghi nhớ những người đã tiếp xúc với mình. Điều đó giúp truy vết cực kỳ hiệu quả.
Đây là cũng là câu trả lời vì sao Bộ Y tế đề xuất mọi người đến nơi công cộng phải bật Bluezone lên để quét QR CODE. QR CODE có hai giá trị, thứ nhất là ghi nhận chắc chắn người cài đặt Bluezone đã có mặt tại đó, thứ 2 khi dùng Bluezone để quét QR CODE thì cũng đồng nghĩa là kích hoạt Bluezone lên.
Cài Bluezone không lo lộ, lọt thông tin
Thời điểm này đã phù hợp để đề xuất phạt người không cài đặt Bluzone hay chưa? Người dân cho rằng chỉ khi nào khai báo y tế điện tử mang lại hiệu quả giám sát cao hơn thì mới nên xử phạt. Vì sao cần phải có giải pháp mạnh vào lúc này, thưa ông?
Cuộc chiến chống Covid-19 đã vào một giai đoạn mới cam go hơn trước. Để giảm tải sự vất vả của lực lượng tuyến đầu, rất cần các giải pháp công nghệ “chia lửa”. Nhưng các giải pháp công nghệ sẽ tự thân không thể giúp phòng, chống dịch nếu không có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương.
Hiện chưa có chế tài cụ thể yêu cầu người dân bắt buộc cài đặt Bluezone. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, Bộ Y tế đã kêu gọi, đôn đốc nhắc nhở thuyết phục người dân tự nguyện cài ứng dụng Bluezone và sử dụng các phần mềm khai báo y tế khác, để đạt hiệu quả phòng chống Covid-19.
Theo nghiên cứu, nếu tỷ lệ người dân cài Bluezone từ 50 - 55% thì công tác truy vết dịch tễ rất hiệu quả. Ví dụ như ở Singapore họ đã đạt tỷ lệ 90% dân số cài đặt và sử dụng Bluezone. Thủ tướng nước này khẳng định nếu phát hiện ca F0 thì dưới 5 tiếng sẽ tìm thấy toàn bộ những người từng tiếp xúc gần với ca bệnh này.
Theo ông, việc lưu giữ dữ liệu cá nhân, tình trạng sức khỏe, lịch trình đi lại bằng phần mềm như vậy liệu có nguy cơ bị lộ, ảnh hưởng tới quyền cá nhân hay không?
Dữ liệu này đang được chạy trên các hạ tầng của doanh nghiệp lớn, có uy tín được các cơ quan chức năng đánh giá, rà soát và kiểm định. Dữ liệu này do Bộ Y tế quản lý, Bộ TT&TT sẽ điều phối các doanh nghiệp để xây dựng ra các phần mềm đảm bảo tốt bảo mật.
Nhiều người lo ngại việc sử dụng ứng dụng truy vết điện tử Bluezone sẽ lộ thông tin cá nhân như đã đi đâu, làm gì… Ông thấy những điều lo ngại này có đúng không và những dữ liệu của người dùng được bảo mật như thế nào?
Công nghệ của Bluezone là sử dụng sóng Bluetooth, về nguyên tắc hai máy có phát sóng Bluetooth là sẽ “nói chuyện” được với nhau. Khi “nói chuyện” với nhau như thế thì định kỳ Bluezone sẽ phát ra một ID là mã số trên mỗi máy. Máy bên cạnh sẽ nhận được mã số máy đó, đây chỉ là mã số không phải là tên người, tuổi hay giới tính.
Chỉ đến khi phát hiện là F0 thì trung tâm dữ liệu mới truy xuất những mã số đó là ai để thông báo cho người này biết họ đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, nguy cơ lộ lọt thông tin cho người khác khi cài ứng dụng Bluezone hầu như là không có.
Cảm ơn ông!
Về việc rất nhiều nước đã dùng công nghệ để có thể liên thông sử dụng hộ chiếu vaccine, liệu Việt Nam có đi chậm trong việc kết nối thông tin để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và khách du lịch hay không, ông Đỗ Công Anh cho biết, giai đoạn hiện nay trên thế giới và Việt Nam đang có chiến lược hộ chiếu vaccine. Nhiều nước đã triển khai hộ chiếu vaccine điện tử. Việt Nam đang xây dựng hình thức tương tự với tên gọi Chứng nhận vaccine điện tử.
Để hệ thống này được hoạt động thì các hệ thống trong nước phải liên thông được với nhau. Ở cấp quốc tế thì các cơ quan y tế của các nước phải liên thông và công nhận lẫn nhau./.