The Drive dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Ukraine đưa tin, khi lực lượng Kiev bắt đầu "mổ xẻ" các khí tài quân sự còn nguyên hoặc bị phá hủy một phần mà họ thu được từ Nga, họ dường như phát hiện ra bên trong các vũ khí này có khá nhiều các vi mạch do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là vi mạch có xuất xứ từ Mỹ.
Theo The Drive, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga dường như đang phụ thuộc một phần nhất định vào vi mạch nhập khẩu để chế tạo các vũ khí hiện đại của họ.
Theo phía Ukraine, những vi mạch nghi có nguồn gốc từ nước ngoài bị phát hiện bên trong nhiều khí tài uy lực của Nga như xe chỉ huy phòng không Barnaul-T, hệ thống phòng thủ Pantsir, trực thăng tấn công Ka-52, tên lửa hành trình Kh-101…
Ví dụ, trong Barnaul-T, Ukraine được cho phát hiện ra 8 vi mạch từ các nhà sản xuất của Mỹ như Intel, Micrel, Micron Technology và Atmel Corp.
Trong hệ thống Pantsir, Kiev được cho phát hiện 5 vi mạch sản xuất tại Mỹ bởi các công ty AMD, Rochester Electronics, Texas Instruments và Linear Technology.
Trong khi đó, trong tên lửa hành trình Kh-101, Ukraine dường như tìm ra ít nhất 35 chip có nguồn gốc từ Mỹ.
Hiện chưa rõ nguồn gốc của những vi mạch có trong vũ khí của Nga, vì những thiết bị này không nhất thiết phải mua trực tiếp từ nhà sản xuất, mà có thể qua các trung gian khác.
Sau khi xem xong bản danh sách tình báo Ukraine cung cấp, chuyên gia quân sự Skip Parish cho biết, nếu đó là thông tin chính xác thì nó có thể cho thấy mức độ phụ thuộc của Nga vào công nghệ phương Tây để sản xuất các bộ phận nhạy cảm của vũ khí dùng để nhắm mục tiêu, điều hướng, liên lạc và tác chiến.
Nó cũng cho thấy rằng Mỹ hiện chưa kiểm soát được luồng di chuyển của những thiết bị có thể được sử dụng cả vào mục đích quân sự và dân sự.
Ngày 11/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói với thượng viện Mỹ rằng, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm cấm Nga mua vi mạch dường như đã buộc Moscow tìm ra cách khác để thích nghi.
"Chúng tôi nhận được báo cáo từ Ukraine rằng, khi họ phát hiện thiết bị quân sự của Nga ở chiến trường, các vũ khí này được lắp thiết bị bán dẫn lấy từ máy rửa bát và tủ lạnh", bà Raimondo nói.
Việc tùy biến và cải tiến các thiết bị có mục đích dân sự để đưa vào khí tài quân sự dường như sẽ làm khó Mỹ trong việc kiểm soát được đường đi của công nghệ. Mặt khác, nó cũng cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây ảnh hưởng nhất định tới nền công nghiệp quốc phòng của Nga.
Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo, những vũ khí của Nga bị Ukraine thu giữ trong chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng, có thể trở thành "mỏ vàng" cho giới tình báo Mỹ. Từ các hệ thống này, phía Mỹ và Ukraine có thể tìm hiểu rõ hơn về cấu tạo, cũng như dữ liệu về chỉ huy và kiểm soát trong các hệ thống của Moscow./.