Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì. Cùng tham dự có thành viên Ban ATGT tỉnh.
Thời gian qua, mặc dù các Bộ, ngành chức năng, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng được nhiều mô hình hay, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Nhưng thực tế tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh vẫn xảy ra nhiều và hết sức lo ngại.
Theo thông tin lãnh đạo Bộ Công an báo cáo tại hội nghị, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). So với cùng kỳ năm 2022, tăng 08 vụ, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương. Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 39 tỷ đồng; tạm giữ 61.356 xe mô tô.
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có Giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT. Qua số liệu cho thấy, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là TNGT liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa hiệu quả, nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông; nhiều phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong công tác này.
Tổ chức giao thông tại khu vực cổng trường và trong trường học còn nhiều bất cập, nhất là các trường nằm trên các tuyến đường trục chính đô thị, đường quốc lộ, tỉnh lộ nơi có mật độ phương tiện nhiều và phương tiện giao thông cơ giới lưu thông với tốc độ lớn. Một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được điểm dành cho phụ huynh dừng, đỗ phương tiện chờ đón con, em dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự ATGT tại khu vực trường học...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Gia Lai, Hà Giang, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã phân tích tình hình, nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm pháp luật trật tự ATGT ở độ tuổi học sinh; đồng thời đưa ra các giải pháp, biện pháp để xây dựng văn hóa giao thông cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường; khắc phục những điểm đen giao thông và quản lý các phương tiện giao thông; chia sẻ những mô hình, cách làm hay để kiềm chế TNGT... Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cần thực hiện việc truyền thông thật tốt bằng nhiều hình thức và nội dung hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, theo dõi của các em học sinh từ hình thành ý thức tham gia giao thông của các em, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông đường bộ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và biểu dương một số địa phương đã có nhiều ý tưởng trong quá trình triển khai các giải pháp để giảm thiểu TNGT ở các nhà trường. Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nội dung bàn tại hội nghị hôm nay không có gì mới, đã có giải pháp từ rất lâu, cái quan trọng là phải tổ chức triển khai, thực hiện như thế nào cho hiệu quả.
“Xét về tổng thể với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống người dân được nâng cao, số lượng phương tiện giao thông tăng lên rất lớn, trong khi đó chúng ta chưa đủ điều kiện về hạ tầng để đáp ứng sự gia tăng của phương tiện giao thông. Bởi vậy rất ghi nhận những nỗ lực và kết quả của lực lượng cảnh sát giao thông cũng như của các lực lượng lượng chức năng khác. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ nặng nề, như vậy trách nhiệm và quyết tâm phải cao hơn” – Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Mặt khác, cần chia sẻ với nhau những mô hình, ý tưởng hay, có hiệu quả ở một số địa phương, đơn vị như của thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) về điều chỉnh giao thông trước cổng trường học để các địa phương học tập, triển khai trên địa bàn mình.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về vấn đề công tác bảo đảm trật tự ATGT. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng lưu ý tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nhất là tại các địa phương lâu nay có vẻ như yên bình để từ đó truyền ý thức này đến với mọi người dân.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nếu có quy định cho phép thì đưa công tác đảm bảo ATGT cho học sinh vào đánh giá kiểm điểm cuối năm tại các cơ quan, trường học. Trong công tác tuyên truyền, bên cạnh việc ngăn chặn những thông tin xấu độc trên mạng internet cần có những nội dung hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, theo dõi của các em học sinh.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội có cách thức tuyên truyền hiệu quả hơn.