Trước đó, Đại Đoàn Kết Online đã có một số bài viết thông tin về việc trong mùa tuyển sinh năm nay, một số trường đại học đào tạo khối ngành y dược nhưng tuyển sinh tổ hợp không có môn Sinh học.

Về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học; TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT).

nh-ntt4-nganhy-3read-only-1610378007852446701806-1647060220.jpg
Năm 2022, một số trường đại học đào tạo ngành y đưa ra tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học.

Đừng vơ bèo, vơ cả tép…

Nhìn nhận về việc tuyển sinh ngành y nhưng không có môn Sinh học, TS Lê Viết Khuyến phân tích, việc tuyển sinh phải mang tính chất hướng nghiệp.

Đối với ngành sức khỏe, môn Sinh học là kiến thức phổ thông, mang tính chất hướng nghiệp. Nếu bỏ môn Sinh học trong tuyển sinh ngành y thì rõ ràng đây không còn mang mục tiêu tuyển sinh.

ong-le-viet-khuyen-1647060253.jpg
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT).

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, đây là lỗ hổng của Luật Giáo dục Đại học. Luật trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh nhưng quyền tự chủ này phải phù hợp với mục tiêu, tính chất, nâng lực nghề nghiệp.

Với ngành y, Sinh học đóng vai trò quan trọng nhất. Còn môn Tiếng Anh, TS Khuyến đánh giá, sinh viên ngành y rất cần thiết phải có ngoại ngữ để thuận lợi hơn trong quá trình đọc và nghiên cứu tài liệu nhưng chỉ nên đưa vào xét tuyển như một tiêu chí phụ chứ không phải là yêu cầu tiên quyết.

TS Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi về mục đích đưa ra tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh là vì quyền lợi của người học hay của nhà trường?

TS Khuyến cho hay: “Nhiều người nói với tôi, ngành y hiện nay cũng giống như một số ngành đang tồn tại tình trạng “vơ bèo gạt tép”, thậm chí vơ cả bèo, cả tép. Dù nói như vậy có hơi gay gắt nhưng tôi cho rằng, ngành y là một ngành đặc biệt, không thể để tình trạng thả nổi như hiện nay. Trong khi đó, những trường đại học y dược lớn trong nước vẫn chỉ tuyển tổ hợp xét tuyển Toán – Hóa – Sinh cho ngành y”.

Theo TS Khuyến, nếu các trường không đặt quyền lợi của người học lên trên hết thì chất lượng sẽ không bảo đảm. Thế nên, về phía cơ quan quản lý nhà nước,  TS Khuyến cho rằng, Bộ GDĐT không thể buông lỏng trách nghiệm.

TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm: “Bộ GDĐT cần thể hiện vai trò quản lý nhà nước, tăng cường rà soát, phê duyệt lại với những phương án tuyển sinh của các trường, nếu phương án nào bất hợp lý cần phải loại bỏ. Sau đó, kiểm soát chặt chẽ quá trình đào tạo của các trường, bảo đảo chuẩn chất lượng, chuẩn đầu ra, vì lợi ích người học”.

Băn khoăn điều kiện mở ngành đào tạo

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết, trên thế giới, đề thi vào khối ngành sức khỏe của hầu hết các trường đại học ở Mỹ, Canada…, trong 230 câu, có đến 45 câu thuộc kiến thức Sinh học, chiếm khoảng 20% trên tổng số câu hỏi của đề thi.

TS Vinh dẫn chứng như vậy để chỉ ra, các trường đại học đào tạo ngành y trên thế giới đều coi trọng môn Sinh học –  môn học nền tảng của y khoa.

graba50achoang-ngoc-vinh-15999217528031866543536-1647060294.jpg
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT).

Trở lại việc một số trường đào tạo ngành y dược đưa ra tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, đây là cách làm không hợp lý của tự chủ đại học - ra các quyết định quản lý thiếu nghiên cứu đánh giá thực tế chuyên ngành cũng như thực tế tuyển sinh trên thế giới.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, khi Nhà nước trao quyền tự chủ cho các trường cần thực hiện chặt chẽ khâu kiểm định chất lượng nhưng khâu này đang có một số hạn chế. Hiện nay, việc kiểm định đang áp dụng theo một công thức chung cho các ngành.

Nhân lực tham gia đoàn kiểm định không phải ai cũng có chuyên môn gắn với chương trình được kiểm định dẫn tới tạo lỗ hổng trong khâu kiểm định do nặng về các thủ tục hành chính của tiêu chuẩn.

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, với ngành y khoa, cần kiểm định chuyên môn (professional accreditation) hơn, gắn với tiêu chuẩn năng lực của người tốt nghiệp ở đầu ra, năng lực hành nghề. Thành phần kiểm định nên có sự tham gia đủ lớn của đại diện các cơ quan chuyên môn, các cơ sở sử dụng lao động chứ không phải cứ ai có chứng chỉ kiểm định viên là đủ tư cách tham gia đoàn kiểm định.

Ngoài việc xem xét đánh giá mang tính chuyên nghiệp, kiểm định viên chuyên môn còn có thể góp ý kiến sâu về tuyển sinh, chương trình, trang thiết bị, phương pháp dạy học và đánh giá và kiến nghị hiệu quả hơn về việc cải thiện liên tục chất lượng.

Trước tình trạng “trăm hoa đua nở” các ngành đào tạo về sức khỏe tại nhiều trường đại học hiện nay, TS Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ băn khoăn về việc kiểm tra, xác minh điều kiện mở ngành đào tạo.

Theo ông đánh giá, hiện nay, một số trường xác định tuyển sinh theo định lượng chỉ tiêu (điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất mang tính gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng) chứ không theo chất lượng trực tiếp.

Kinh nghiệm của Malaysia, với ngành Y học phải thực hiện việc công nhận tạm thời chương trình đào tạo và các quy định về đảm bảo chất lượng cơ sự quản lý của Cơ quan Văn bằng Malaysia (được quy định trong Luật) và phải phối hợp với Hội đồng Y khoa Malaysia qua Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp xem xét và cuối cùng trình lên Ủy ban kiểm định để cho phép đào tạo hoặc không cho phép. Sau thời gian công nhận tạm thời cơ quan Quản lý trình độ Malaysia sẽ thực hiện kiểm định đầy đủ chương trình.

Hiện nay ở Việt nam việc tự chủ mở ngành nhưng thiếu cơ chế kiểm soát dẫn đến tình trạng "mẹ hát mẹ khen hay" chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên ra trường. “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng nếu không phải là Bộ GDĐT và chính các trường đại học đó”, TS Hoàng Ngọc Vinh đặt câu hỏi.

Vì vậy, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm, tự chủ đại học nhưng không thể rời khỏi sự quản lý của Nhà nước. Bộ GDĐT cần thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, có giải pháp, cơ chế kiểm soát đầu ra, ban hành tiêu chuẩn đào tạo, đổi mới chính sách kiểm định chất lượng nhấn mạnh kiểm định chuyên môn của chương trình đào tạo, không để tồn tại tình trạng đào tạo ẩu, bảo đảm lợi ích người học nói riêng và xã hội nói chung.

“Nếu tự chủ đại học thiếu kiểm soát ngay từ đầu chất lượng tuyển sinh thì Bộ GDĐT tồn tại để làm gì?", TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh./.