anyconvcom-a-1649483768.jpg
Lối vào rừng đinh hương luôn được bảo vệ cẩn thận, những người trông coi chủ yếu là cư dân địa phương. Hơn 30 năm qua, tổ tuần tra, bảo vệ khu rừng luôn làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhờ vậy, trong rừng chưa cây đinh hương nào bị đốn hạ.
anyconvcom-b-1649483779.jpg
Để vào được trung tâm cánh rừng, nơi có những cây đinh hương cổ thụ, chúng tôi phải được người dân dẫn đường, đồng thời, phải có ít nhất một người trong đội tuần tra đi cùng, tránh những điều nguy hiểm xảy ra trong quá trình "mục sở thị".
anyconvcom-c-1649483787.jpg
Trên đường đi, ngay lối mòn chúng tôi bắt gặp rất nhiều cây đinh hương có tuổi đời từ 20-30 năm, chúng mọc cao chót vót, sừng sững, bóng cây tỏa một vùng rộng lớn.
anyconvcom-d-1649483796.jpg
Thậm chí, tính từ bìa rừng, đi sau vào 5km, chúng ta sẽ bắt gặp những gốc cây 70-80 năm tuổi, có đường kính từ 1,5-2 m. Do gỗ đinh hương thuộc loại gỗ quý, nên để bảo vệ những "cụ" đinh hương như thế này, đòi hỏi sự đồng lòng, đoàn kết rất cao của người dân bản địa.
anyconvcom-e-1649483805.jpg
Anh Lương Văn Nam (42 tuổi) người có 25 năm bảo vệ khu rừng đinh hương của bản Na Hang cho biết, theo thống kê, khu rừng đinh hương này hiện có khoảng 100 cây đinh hương cổ thụ (nghĩa là tuổi đời trên 30 năm, đường kính từ 0,7 m-2,4 m) và hàng ngàn cây đinh hương nhỏ, mọc chi chít cả một khu rừng.
anyconvcom-f-1649483814.jpg
Do có chiều cao từ 10-15m, nên gốc cây đinh hương bám rễ rất rộng và sâu.
anyconvcom-g-1649483823.jpg
Gỗ đinh hương là loại gỗ rất được nhiều người ưa chuộng rộng rãi trên thị trường hiện nay, nằm trong top 4 loại gỗ chất lượng ở Việt Nam và chúng có màu đỏ vàng đặc trưng, là loại gỗ có mùi hương dịu nhẹ do dầu gỗ tiết ra.
anyconvcom-h-1649483833.jpg
Khu rừng của bản Na Hang có diện tích trên 100 ha, các lối đi chằng chịt những loài cây leo đan chéo. Hai bên các lối mòn đã có thể bắt gặp những cây đinh hương nhỏ thế hệ “cháu chắt” to khoảng bằng bắp chân, xen lẫn những cây săng lẻ và các loài cây gỗ khác.
anyconvcom-i-1649483843.jpg
Những gốc đinh hương có đường kính lớn, nhiều người ôm mới hết. Riêng những cây 1 người ôm đếm không xuể. Đây thực sự là tài sản quý giá không chỉ người dân nơi đây, mà còn là của chung của miền Tây xứ Nghệ.Dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng vẫn có hiện tượng (đẽo vỏ cây) mục đích làm cho cây chết dần, để khai thác lấy gỗ. Khi phát hiện những gốc cây đinh hương bị thương, ngoài việc cứu chữa cho chúng, thì việc tuần tra, kiểm soát, theo dõi càng chặt chẽ hơn.
anyconvcom-k-1649483853.jpg
Từ năm 1994, dân bản Na Hang đã lập quy ước riêng để bảo vệ những cây đinh hương quý trước các cuộc “thảm sát”. Khi đó, rừng đổ máu, các loài cây quý bị đốn hạ trơ gốc. Nhưng với bà con, dù chặt ở đâu nhưng vào rừng của bản mà đốn đinh hương là sẽ bị phạt rất nặng.
anyconvcom-m-1649483863.jpg
Hàng tháng, bản tổ chức một đội tuần tra kiểm đếm các gốc đinh hương trong rừng, cây nào tự gãy đổ thì mới cho người dân tận thu để làm nhà, còn nếu phát hiện chặt sẽ “truy” và đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi đối với người dân bản Na Hang, khu rừng đinh hương là "báu vật" muôn đời của họ./.