Tuấn Anh, Văn Thanh "tệ" đến thế nào?
Quả tình, nhìn vào thống kê trong trận gặp Oman trên sân Mỹ Đình của Văn Thanh, rất nhiều người hâm mộ lẫn giới chuyên môn không khỏi ngán ngẩm: điểm số thấp nhất - 6,5, tạt trúng đích 0/4, tranh chấp tay đôi 0/4, 20 lần mất bóng, 2 lần bị qua người.
Song có lẽ rất ít người tự hỏi, rằng bóng ở đâu mà hậu vệ "quân bầu Đức" này lại để mất nhiều đến thế? Nhìn vào con số thống kê thì rõ. Văn Thanh để mất bóng nhiều nhất, đơn thuần là bởi anh... có bóng nhiều nhất. Chỉ có mặt trên sân 75 phút, song cầu thủ này chính là người chạm bóng nhiều nhất của đội tuyển Việt Nam, với 56 lần chạm bóng.
Để so sánh, đá cả trận, Quang Hải và chỉ chạm bóng 44 lần, Hùng Dũng là 45 lần.
Đúng là cả 4 cú tạt bóng của Văn Thanh đều đi sai địa chỉ, song nên nhớ rằng cánh trái không phải là cánh sở trường của Văn Thanh. Phút 21, Văn Thanh để Aghbari "chài qua" trước khi tung cú sút đầy nguy hiểm trong vòng cấm địa, song đấy cũng là lần hiếm hoi hậu vệ này mắc lỗi trước khung thành của thủ môn Nguyên Mạnh, và bàn thua duy nhất của đội tuyển Việt Nam không đến từ Văn Thanh, mà đến từ người đồng đội ở cánh đối diện - Tấn Tài, khi "bỏ bẵng" tiền đạo đội bạn.
Còn Tuấn Anh?
Đúng là tiền vệ trung tâm HAGL tỏ ra khá mệt mỏi ở trận đấu này, và sự thay đổi của HLV Park Hang-seo khi rút Tuấn Anh ra đầu tiên ở ngay đầu hiệp 2 là có lý do, song nhìn vào bản đồ nhiệt của đội tuyển Việt Nam ở hiệp đấu đầu tiên - hiệp đấu mà Tuấn Anh còn ở trên sân, không khó để nhận ra nó cực kỳ tương đồng với bản đồ nhiệt của Tuấn Anh. Tức là cầu thủ HAGL này luôn có mặt tại các "điểm nóng" của trận đấu.
Bản đồ nhiệt của trận đấu chỉ ra rằng "điểm nóng" ở phần sân của đội tuyển Việt Nam là cánh phải, còn ở phần sân của Oman lại là cánh trái, nhìn từ phía đội tuyển Việt Nam. Bản đồ nhiệt của Tuấn Anh cũng vậy, và bản đồ điểm chạm của tiền vệ này cũng cho thấy ở phần sân nhà, anh chạm bóng đa phần ở cánh của Tấn Tài, nhưng trên phần sân đối phương, Tuấn Anh chủ yếu chạm bóng ở cánh của Văn Thanh.
Đen thôi, đỏ quên đi...
Rõ ràng không phải tự nhiên mà Tuấn Anh lại "mất công" đến thế, khi phải di chuyển chéo sân để tham gia tấn công. Chỉ có một lý do duy nhất để lý giải điều đó, là bởi thầy Park chủ động chọn cánh trái là cánh tấn công chính của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu này, bởi niềm tin đặt vào việc tấn công của Văn Thanh lớn hơn Tấn Tài, và cũng là mũi tấn công "nghi binh" để Quang Hải có được khoảng trống bên cánh phải.
Có thể thể lực của Tuấn Anh "có vấn đề", song việc tiền vệ trung tâm này chơi thoát pressing ở cánh phải và giữa sân, nhưng thường xuyên di chuyển sâu vào phần sân của đối phương ở cánh trái lại là lựa chọn cực kỳ quen thuộc mà HLV Park Hang-seo dùng làm "đòn tủ" cho đội tuyển Việt Nam.
Minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó là bàn thắng mở tỷ số vào lưới Malaysia của Quang Hải ở AFF Cup 2020 vừa qua. Phút 31, bất ngờ đi chuyển xuống cực sâu bên cánh trái, Tuấn Anh nhận đường chồng biên một chạm của Hoàng Đức để rồi chuyền bóng sệt ngược ra, loại bỏ toàn bộ hàng phòng ngự đối phương, đưa bóng tìm đến đúng chân Quang Hải để tiền vệ người Đông Anh tung cú sút chân trái tung lưới.
Không chỉ có thể, chỉ 5 phút sau, Tuấn Anh lại tung ra đường chọc khe "chết chóc" cũng ở cánh trái, đưa bóng đến chân Hoàng Đức để tiền vệ này tung cú sút chân trái hiểm hóc nâng tỷ số lên 2-0 cho đội tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, Malaysia và Oman có đẳng cấp hoàn toàn khác nhau, và việc thầy Park khiến cho Tuấn Anh phải chơi cực kỳ mất sức trước hàng thủ khá kín kẽ và tập trung của đội bóng Tây Á chưa hẳn là một lựa chọn tốt. Song ở hiệp hai, khi Công Phượng được tung vào sân thay Tuấn Anh, Quang Hải phải lùi xuống đá thấp hơn, khiến "sức sát thương" của tiền vệ người Đông Anh bị giảm sút.
Nói cho cùng, trước Oman được đánh giá là mạnh hơn, đội tuyển Việt Nam đã có một trận đấu khá tốt trong điều kiện thiệt hại nghiêm trọng về quân số. Và trong bóng đá, đôi khi thắng thua chỉ được quyết định bởi một tình huống. Thầy trò HLV Park Hang-seo thua bởi đúng một tình huống như thế. Vậy thì có gì mà đáng tiếc để nặng lời chỉ trích Tuấn Anh, Văn Thanh?./.