Ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chỉ ra thực trạng thị trường chứng khoán, trái phiếu ngày càng xuất hiện nhiều hành vi thiếu minh bạch với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, thiếu tướng Lê Văn Tuyến - thứ trưởng Bộ Công an - cho hay theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra, kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỉ đồng.
"Hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán nhưng các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự", ông Tuyến nói.
Khái quát lại phát biểu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế".
Ý kiến của Thủ tướng được nhiều đại biểu, chuyên gia tại hội nghị đồng tình. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đề nghị về thị trường cổ phiếu cần kịp thời phát hiện và xử lý ngay, xử lý nghiêm những vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt, kể cả công bố thông tin chưa kịp thời.
Ông Hoàng Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng những vụ việc vừa qua cần phải nhìn nhận "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", tức các cơ quan quản lý nhà nước phải biết việc này và thực hiện vai trò của mình.
Vì vậy cần tăng cường quản lý trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thị trường. Nếu những cơ quan này làm tốt thì những việc bán chui trái phiếu, làm giá đều có thể ngăn chặn được, không để khi xảy ra mới phát hiện xử lý.
Ông Cường cũng bày tỏ đồng ý với Thủ tướng biện pháp xử lý là "không hình sự hóa bằng cách sử dụng công cụ kinh tế, xử lý kinh tế nặng hơn chứ không hình sự hóa các cá nhân này".
Còn theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, vụ việc của FLC và Tân Hoàng Minh không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, ông cho rằng việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết.
"Việc xử lý kịp thời và nghiêm minh các doanh nghiệp này và các bên khác là quan trọng, nhưng không nên để đổ vỡ thị trường, không nên có sự thay đổi đột ngột, đảo chiều chính sách tác động tiêu cực lớn hơn đối với sự phát triển của thị trường", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Theo đó, về nguyên tắc trong xử lý với các hành vi đan xen giữa dân sự, hành chính và hình sự, ông đồng tình không hình sự hóa nhưng cũng không dân sự hóa mà tất cả phải theo luật. Bản chất là dân sự xử theo dân sự, hành chính thì xử hành chính, hình sự thì xử hình sự nhưng khi xử hình sự thì phải đảm bảo đúng quy định hình sự. Có nghĩa là bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.
"Xử vi phạm hình sự trong kinh doanh cần lưu ý là vi phạm này khác với các tội phạm cướp của, giết người, ma túy, có nghĩa không cần bắt giam thì không bắt giam, nếu người ta có khả năng khắc phục hậu quả thì tạo điều kiện cho người ta khắc phục hậu quả", ông Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa cũng nói thêm là các vụ vừa qua tạo tiền lệ cho các vụ về sau, do đó cần cẩn trọng vận dụng các biện pháp có căn cứ pháp luật hiện hành, nếu vận dụng biện pháp đặc biệt thì cũng phải đúng quy trình luật định và kinh tế thị trường.
"Kinh tế thị trường có quy luật khách quan của nó, chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ. Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững thì phải cạnh tranh lành mạnh. Muốn cạnh tranh lành mạnh thì đảm bảo minh bạch, công bằng, thuận lợi, bình đẳng và nghiêm minh trước pháp luật", ông Nghĩa nêu quan điểm./.