Ngày 2/5, ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết, đã chỉ đạo Phòng Văn hóa, thông tin có văn bản gửi cơ quan công an, mời người đăng tải thông tin tố nhà hàng C.S "chặt chém" 42 triệu đồng khi ăn hải sản lên làm việc.
Theo lãnh đạo TP Nha Trang, ngay khi có tố cáo của du khách đăng tải lên mạng xã hội, đoàn thanh tra của thành phố đã đến quán C.S làm việc và kết luận, quán niêm yết giá rõ ràng, không có hành vi chặt chém, so sánh với các cơ sở kinh doanh liền kề thì giá bán tại cơ sở tương đối phù hợp.
Đoàn đã kiểm tra các cân trọng lượng đều có tem kiểm định và còn hiệu lực, số lượng thực phẩm đã chế biến tương đối phù hợp với số tiền thanh toán và chưa có cơ sở xác định cơ sở tăng giá bất hợp lý. Hiện vụ việc này vẫn đang được tiếp tục xác minh làm rõ và chưa có lời kết.
Vào mỗi mùa mùa du lịch năm nào cũng vậy, có không ít thực khách đăng tải lên mạng xã hội thông tin đi du lịch bị nhà hàng chặt chém với giá cao. Có không ít trường hợp nhà hàng bị xử lý nghiêm vì không niêm yết giá.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp khi lực lượng chức năng kiểm tra thì giá nhà hàng đưa ra đã được niêm yết rõ ràng. Câu hỏi đặt ra vậy thói quen trong ăn uống của nhiều người Việt có đang phung phí, gọi rất nhiều đồ ăn sau phản ánh bị nhà hàng "chặt chém"?
Về vấn đề này, ngày 3/5, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa cho hay, con người sống trong môi trường tự nhiên và xã hội nói chung phải biết sống như thế nào cho hoà hợp với môi trường mà biểu hiện đầu tiên là con người phải tiêu dùng phù hợp với khả năng và môi trường có thể cung cấp cho mình.
Cụ thể, theo ông Đức, con người phải sống phù hợp với môi trường, nếu tiêu dùng lãng phí, không tiết kiệm ảnh hưởng hưởng trực tiếp đến môi trường sống cả tự nhiên và xã hội. Đây là hành vi ứng xử với môi trường có tính chất dân sinh mà xưa nay ở bất cứ xã hội nào và trong lịch sử Việt Nam cũng vậy.
"Cha ông ta vẫn thường dạy phải tiết kiệm, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm phù hợp với điều kiện sống của mình kể cả môi trường tự nhiên cũng như môi trường kinh tế, xã hội. Nếu tiêu dùng quá mức sẽ phung phí, làm hại đến môi trường cũng như hại đến chính đời sống của mình, thậm chí thế hệ mai sau.
Như khai thác cạn kiệt tài nguyên môi trường, tài nguyên thế hệ sau sẽ ra sao? Đây là vấn đề nhỏ nhưng có tính chất vĩ mô, là thái độ ứng xử với môi trường sống, với chính xã hội, cộng đồng mình. Vì vậy đi du lịch hay đi đâu cũng không nên tiêu dùng quá mức", PGS.TS Lê Quý Đức nêu rõ.
PGS.TS Lê Quý Đức cũng nhấn mạnh, hiện một bộ phận nhiều người Việt có thói quen có thể do điều kiện sống trước đây hoặc do sĩ diện nên bữa ăn gọi rất nhiều thức ăn để tỏ ra mình có tiền.
Chuyên gia văn hoá cho rằng, việc khách gọi hết 42 triệu đồng tiền ăn hải sản có thể "tỏ ra mình có tiền nhưng khi thanh toán tiền nhiều quá dẫn đến sự bẽ bàng".
"Đây là hành vi đạo đức nhỏ thôi nhưng quan trọng chúng ta phải biết tiêu dùng như thế nào cho phù hợp. Hiện nay trên thế giới còn đưa ra phong trào sống tối giản, tiêu dùng hợp lý. Như vậy vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ chính mình. Nếu như gọi nhiều thức ăn cố ăn cho hết thì không khác nào đầu độc mình. Mà đi du lịch mà như vậy thì không tốt. Nó là bệnh sĩ của bộ phận người Việt, bệnh không biết tiết kiệm", ông Đức nhấn mạnh.
Nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa cho hay, tại một số quốc gia như Singapore nếu mọi người gọi nhiều thức ăn nhưng ăn không hết còn bị phạt. Thực tế việc này chính ông cũng đã từng đi du lịch tại đây và đã trải nghiệm.
"Phải biết khi đi ra nước ngoài không biết tiết kiệm còn là sỉ nhục bởi Việt Nam chưa phải nước phát triển, thu nhập chưa cao nhưng ăn uống lại lãng phí. Trái lại như người Đức họ gọi đồ ăn ra nhưng ăn không hết liền gói mang về, rất tiết kiệm. Đất nước giàu có như Đức mà còn ứng xử như vậy, Singapore ngay cạnh chúng ta có thể cùng văn hoá với chúng ta nhưng làm được điều đó thì tại sao chúng ta không sống tiết kiệm, tránh lãng phí?", ông Đức cho biết thêm.
Trước đó, ngày 28/4, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng tố quán hải sản C.S "chặt chém" với hóa đơn tính tiền 42,5 triệu đồng cho nhiều món hải sản tươi sống gồm: 5,8kg tôm hùm thiên nhiên có giá 2,5 triệu đồng/kg; 6,2kg mực lá có giá 850.000 đồng/kg; 8,8 kg cá bò da với giá 980.000 đồng/kg; 6,1 kg ốc biển giá 620.000 đồng/kg; 4,8 kg ốc giác với giá 1,3 triệu đồng/kg; 6kg ốc Côn Đảo với giá 480.000 đồng/kg cùng một số mặt hàng khác.
Qua xác minh của đoàn liên ngành, vào tối 27/4, có 1 đoàn khách khoảng 22 người đến quán hải sản C.S để ăn uống, trong đoàn có 1 người đại diện chọn món ăn; trước khi chọn món ăn và chế biến đều được nhân viên nhà hàng tư vấn kỹ, thỏa thuận và khách đồng ý giá trước khi chế biến. Ngay sau khi rời quán, một thành viên trong đoàn đã tung tin lên mạng xã hội.
Liên quan đến vấn đề trên, chiều 1/5, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Quốc Khánh - quản lý nhà hàng hải sản C.S xác nhận, nhà hàng đã hoàn trả lại cho ông Đ.V.M. (du khách Bắc Giang - thành viên trong 22 người khách ăn hải sản hết trên 42 triệu đồng) số tiền 12 triệu đồng. Đây được xác định là số tiền của 2 con cá bò da (hay còn gọi là cá da bò) mà khách mang về, khối lượng khoảng 8kg.
Ông Khánh giải thích lý do hoàn trả lại số tiền 12 triệu đồng là vì khi nhà hàng đưa 2 con cá bò da ra cho đoàn thì cũng đúng lúc đoàn du khách đứng lên gọi tính tiền. Thứ 2 là do quán cũng muốn yên ổn làm ăn nên khi bị khách phản ánh trên mạng xã hội nên thấy phiền phức và có động thái trả lại tiền để khách thông cảm và chia sẻ./.