Ông Nguyễn Đức Chung được giảm án vụ mua chế phẩm Redoxy-3C
Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được tòa phúc thẩm giảm từ 8 năm xuống 5 năm tù do Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C.
Chiều 22/6, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận một phần đơn kháng cáo kêu oan của ông Chung và ra mức án như trên.
Tòa phúc thẩm cũng giảm một năm 6 tháng tù cho cả hai bị cáo còn lại của vụ án là Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic, còn 3 năm tù; Võ Tiến Hùng, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, còn 30 tháng tù.
TAND Cấp cao tại Hà Nội cho hay "đủ cơ sở chứng minh" ông Chung đã hậu thuẫn, bật đèn xanh cho Giang thực hiện các hành vi phạm tội. Ông Chung kháng cáo, liên tục kêu oan, nhưng cuối cùng cũng "thừa nhận sai phạm".
Tại phiên toà, ông Chung và bị cáo Giang, Hùng được ghi nhận đã khắc phục hết hậu quả trong vụ án, tổng cộng 36,1 tỷ đồng. Bởi thế HĐXX giảm hình phạt cho cả ba; hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra.
Không phải cứ khắc phục hậu quả là được giảm án, vì sao?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự, việc bị cáo khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Việc khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra đối với xã hội. Bởi vậy, đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết có trong một vụ án cụ thể, theo đó sẽ làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi lượng hình. Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đây là trường hợp người phạm tội đã gây ra thiệt hại, tức là thiệt hại đã thực tế xảy ra nhưng người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho bên bị thiệt hại hoặc đã tự nguyện khắc phục hậu quả của tội phạm.
Ông Cường cho biết, sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục là ba hành vi có nội dung khác nhau điều chỉnh ba hoạt động khác nhau của người phạm tội nên có thể nói điểm b khoản 1 Điều 51 quy định tới 3 tình tiết giảm nhẹ chứ không phải là một tình tiết giảm nhẹ.
Nhưng tính chất của các tình tiết này có nét tương đồng nhau về bản chất nên được quy định trong cùng một điểm để áp dụng cho người phạm tội.
Sửa chữa là sửa lại, chữa lại những tài sản đã bị hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. Bồi thường là đền bù bằng tài sản cho những thiệt hại mà tội phạm gây ra.
Khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Như trường hợp của ông Chung được gọi là khắc phục hậu quả.
Không phải khắc phục hết mọi hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ mà có thể người phạm tội chỉ khắc phục được một hoặc một số hậu quả cũng có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục càng nhiều thì được xem xét giảm nhẹ càng nhiều.
Theo ông Cường, tuy nhiên, người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo, không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng.
Sự tự nguyện của người phạm tội bao gồm cả hành vi tác động đến gia đình, người thân, bạn bè... bồi thường thay cho mình trong lúc họ đang bị tạm giam giữ hoặc khi họ không có khả năng.
Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, người giám hộ tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với họ.
Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào, cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.
"Như trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, nếu gia đình ông này tự nguyện khắc phục hết hậu quả cho nhưng ông này vẫn không nhận tội, một mức kêu oan, không nhận thức được sai lầm của mình, việc khắc phục hậu quả sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ, và có thể ông này sẽ không được giảm án" –ông Cường nhấn mạnh./.