Hồi sinh công trình "chết yểu", tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỷ đồng
Theo Công điện hỏa tốc số 112/CĐ-TTg ngày 6/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát, thời gian vừa qua, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công. Do đó, nhiều công trình, dự án đã kịp thời khắc phục vướng mắc, hồi sinh và đưa vào vận hành hoạt động tốt.
Đối với ngành Công Thương, những dự án trọng điểm đã được Thủ tướng nêu bật về tinh thần chống lãng phí phải kể đến như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Đường dây 500kW mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Về Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đây là dự án lớn nhất ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ với tổng công suất lên tới 1.200 MW, mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng. Dự án góp phần giải quyết cung ứng nguồn điện cấp bách thuộc tổng quy hoạch điện VI đã được Chính phủ phê duyệt.
Dù đã khởi công từ tháng 3/2011, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 lại trở thành "điểm đen" khi bị đắp chiếu nhiều năm, gây lãng phí lớn cho nhà nước. Dù đã có nhiều cuộc họp bàn song vẫn không tìm được lối ra cho đến ngày 15/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức yêu cầu phải sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Điểm nổi bật về việc chống lãng phí của dự án nằm ở thời điểm khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, các đại biểu đề nghị phải tăng thêm 4.800 tỷ đồng từ ngân sách cho dự án. Nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận, không dùng thêm ngân sách, mà phải cơ cấu lại trong tổng vốn đầu tư, vận dụng sáng tạo các quy định hiện hành, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam nếu còn thiếu vốn. Nhờ đó, việc hồi sinh dự án không những không phải sử dụng thêm vốn của Nhà nước, của Tập đoàn, mà ngược lại đã tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng.
Đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, vào năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ phương hướng tái cấu trúc hoạt động. Trong lưu ý của Thủ tướng có việc tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh (sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhiều lần họp, chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc cho lọc hoá dầu Nghi Sơn. Đích thân Bộ trưởng cũng đã đến kiểm tra, làm việc tại nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, giúp nhà máy phát triển bền vững.
Ngày 6/11/2024, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết, sau đợt bảo dưỡng tháng 10/2023 đến nay, đơn vị đã vận hành ổn định, an toàn và với công suất cao.
Trong khi đó, vào giai đoạn năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp khó khăn rất lớn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho Dự án Nhà máy điện Ô Môn III; khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV, khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của chuỗi dự án. Bên cạnh đó là cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp trong khi giá thành sản xuất điện khí đang cao hơn giá bán điện của EVN.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và IV hết sức quan trọng, bảo đảm sự vận hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả của chuỗi dự án khí-điện Lô B tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.
Một dự án khác cũng đã tạo hiệu quả đó là vào ngày 28/10/2024 vừa qua, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã chính thức hoàn thành kế hoạch sản lượng điện cả năm 2024 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao là 5,579 tỷ kWh, về đích sớm 2 tháng. Điều đặc biệt của dự án kể trên nằm ở việc đây là một trong những dự án điện đầu tiên áp dụng cơ chế giá hợp đồng điều chỉnh theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg, với những khó khăn trong cơ chế thanh toán, định mức, đơn giá, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Tiếp đó, khi dự án chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối hoàn thành đã đối mặt với khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Nhưng dự án đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tích cực tạo điều kiện kịp thời từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Tập đoàn; những cố gắng, nỗ lực của Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 (BQL DA), Tổng thầu LILAMA và các nhà thầu phụ cùng sự chung sức của hàng nghìn người lao động trên công trường.
Và đáng chú ý hơn, tinh thần chống lãng phí, tiết kiệm nguồn lực của ngành Công Thương được tiếp tục ghi dấu qua công trình đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Đây là công trình mang tính lịch sử, dấu ấn đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Công Thương, giúp dự án triển khai thần tốc, lập nên những kỷ lục chưa từng có. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có rất nhiều sáng kiến, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, họp trực tuyến với các địa phương và các lực lượng thi công dự án để thúc tiến độ, từ họp trực tuyến tháng một lần đến lúc cao điểm họp tuần một lần. Cá nhân Bộ trưởng đã nhiều lần thị sát, kiểm tra các tuyến đường dây từ điểm đầu Phố Nối (Hưng Yên) tới Quảng Trạch (Quảng Bình).
Đường dây 500kV mạch 3 là đường dây mạch kép đi qua nhiều địa hình khác nhau, nên có khối lượng thi công lớn hơn rất nhiều so với các đường dây khác đã thực hiện. Với quyết tâm cao nhất, chung sức đồng lòng, dự án đã hoàn thành với thời gian thi công kỷ lục trong hơn 6 tháng (đối với các dự án có quy mô, khối lượng tương tự, thường phải triển khai từ 3-4 năm).
Nhận định về công trình đường dây 500 kW mạch 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm chia sẻ với báo chí, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã cố gắng trong suốt quá trình thực hiện dự án và rất phấn khởi, chờ đón giây phút khánh thành dự án quan trọng này.
Theo ông Mai Xuân Liêm, yếu tố quan trọng trong việc hoàn thành dự án là sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, của tất cả các lực lượng tham gia dự án.
Nhìn chung, cách tháo gỡ sáng tạo đối với các dự án ngành Công Thương là một bước đi quan trọng và cần thiết. Điều này cho thấy Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành đã nhận thức được tháo gỡ những vướng mắc không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế mà còn giúp tạo điều kiện cho sự phát triển.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, và doanh nghiệp liên quan đã tích cực tham gia vào quá trình tháo gỡ khó khăn. Các cuộc họp thường xuyên, liên tục đã góp phần khẩn trương xử lý tồn tại của các dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, việc vận dụng những quyết sách một cách sáng tạo đã tạo ra hiệu quả rõ rệt, cho thấy sự linh hoạt của Chính phủ. Thay vì chỉ tập trung vào việc xử lý các dự án yếu kém một cách truyền thống, Chính phủ đã tìm ra các giải pháp mới, tránh những "lối mòn".
Cách tháo gỡ này cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Công Thương đối với việc bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Việc này giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, quyết liệt phòng chống lãng phí.
Đồng thời, sự hợp tác giữa các bộ, ngành, và doanh nghiệp cũng là chìa khóa quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn. Các tổ chức tín dụng đã chia sẻ rủi ro và thực hiện các giải pháp cơ cấu lại một số khoản vay theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp tiếp tục vay vốn để sản xuất và kinh doanh. Việc này không chỉ giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Chống "giặc trong lòng"
Trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả.
Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sinh thời: Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng". Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.
Điều này cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng công nhận rằng, tham ô, lãng phí, quan liêu là điều hệ thống chính trị coi như giặc và cần phải kiên quyết loại bỏ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt chống lãng phí
Đối với ngành Công Thương, Chỉ thị 11/CT-BCT được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký ngày 8/11 nhấn mạnh chỉ đạo các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực được phân công phụ trách cần tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát, lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thuộc bộ; các khu ký túc xá sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo thuộc bộ.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng được giao phụ trách triển khai thực hiện; bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ. Đảm bảo hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.
Bên cạnh đó, để khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm", trong chỉ thị nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý chi tiết về vấn đề xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền thì cần phải chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại. Với những nội dung vượt thẩm quyền, cần khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung, quy định vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời cần có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực.
Đặc biệt, để không lãng phí nguồn lực, tạo sự đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tại phiên thảo luận tại Tổ 12 về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 26/10, định hướng một số quan điểm lớn trong sửa đổi Luật Điện lực, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt của nền kinh tế.
Bài toán đặt ra hiện nay là làm sao có đủ năng lượng phục vụ phát triển, do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nắm rõ vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển ngành điện, Chính phủ đã và đang thúc đẩy sửa đổi Luật Điện lực, với mục tiêu trình Quốc hội thông qua trong vòng 1 kỳ họp, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra hiện nay.
Với tầm quan trọng của việc cung ứng điện, Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn trương thúc đẩy triển khai các dự án điện, triển khai nhanh, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện nền có quy mô công suất lớn, đặc biệt là ở miền Bắc.
Và để đẩy nhanh các tiến độ dự án công trình điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã thường xuyên chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai các dự án lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào; dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Đáng chú ý, tận dụng về những phát triển về công nghệ thông tin, các cuộc họp do Bộ trưởng chủ trì cũng được kết nối trực tiếp tới trụ sở UBND, Sở Công Thương các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc để lắng nghe báo cáo nhanh kết quả nhiệm vụ được giao từ cuộc giao ban kỳ trước; nêu các khó khăn phát sinh; đồng thời nêu các giải pháp kiến nghị các bộ ngành hỗ trợ giải quyết.
Như vậy, tinh thần chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được ngành Công Thương và cụ thể hơn là Bộ Công Thương đang hiện thực hóa từ các văn bản chỉ đạo cho đến các buổi làm việc trực tiếp. Điều này thể hiện sự đồng lòng, tuân thủ và nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng, không để những thông điệp chỉ dừng ở trên báo cáo, hô khẩu hiệu mà hiện thực bằng kết quả công việc. Do đó, chống lãng phí là nói thật, làm thật để kịp thời phát triển, thích ứng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.