Ngày 28/12, Chính phủ ban hành Nghị định 123 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Một số vi phạm về giao thông đường bộ tăng nặng mức phạt so với Nghị định 100 hiện nay.
Đáng chú ý, để phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đối với cá nhân được tăng lên 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện nay.
Nghị định 123 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.
Tăng gấp đôi mức phạt không đội mũ bảo hiểm
Hiện hành, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Cụ thể, tại điểm i, k khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng cá nhân thực hiện hành vi sau:
- Người điều khiển xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;
- Người điều khiển xe chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng, tăng gấp đôi so với hiện nay.
Ngoài ra, tại Nghị định 123, nhiều mức phạt có tính chất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn có thương vong cũng được tăng mức phạt.
Cơ quan chức năng tăng mức xử phạt đối với người đua xe máy lên 10-15 triệu đồng thay vì 7-8 triệu đồng như quy định hiện hành.
Ngoài ra, nếu trường hợp đua ô tô, mức xử phạt cũng tăng 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng.
Đỗ xe trên cao tốc bị phạt tới 12 triệu đồng
Mức phạt cũng tăng 6-8 triệu đồng hiện tại lên 10-12 triệu đồng đối với vi phạm về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ có mức xử phạt 600.000 đồng-1 triệu đồng tăng lên 1-2 triệu đồng.
Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tước bằng lái 1-3 tháng được giữ nguyên.
Để bằng lái quá hạn bị phạt 12 triệu đồng
Tại Nghị định 123, việc sử dụng giấy phép lái ô tô chia làm 2 mức. Trong đó, người sử dụng giấy phép lái xe quá hạn dưới 3 tháng sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng.
Người sử dụng giấy phép quá hạn trên 3 tháng, không có hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt 10-12 triệu đồng.
Như vậy, mức xử phạt cho hành vi này tăng gấp 3 lần theo quy định hiện hành là 4-6 triệu đồng nếu sử dụng giấy phép lái ô tô quá hạn 6 tháng.
Nghị định cũng tăng mức xử phạt lên 1-2 triệu đồng đối với người lái xe máy dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự mà không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép bị tẩy xóa.
Cơ quan chức năng cũng tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng hiện nay lên 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên 175 cm3, không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.
Tăng gấp 6 lần mức phạt hành vi che biển số xe ô tô, xe gắn máy
Cụ thể, tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng khi:
Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
(Quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi che biển số xe chỉ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng).
Đồng thời, khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi:
Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
(Theo quy định hiện nay, mức phạt đối với hành vi che biển số xe dành cho người điều khiển xe gắn máy là 100.000 - 200.000 đồng).
Tăng gấp 10 lần sản xuất biển số giả
Theo đó, cá nhân có hành vi Bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt mức 10-12 triệu đồng (quy định hiện hành là 1-2 triệu đồng) và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện là 2-4 triệu đồng).
Mức phạt tăng từ 3-5 triệu đồng lên 30-35 triệu đồng đối với cá nhân; 6-10 triệu đồng lên 60-70 triệu đồng với tổ chức có hành vi Sản xuất biển số trái phép.
Phạt tối đa 75 triệu xe chở quá tải
Hành vi chở quá số người quy định trên xe khách, đối với chủ xe là cá nhân, cơ quan chức năng quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 40 triệu như trước đây tăng lên thành không vượt quá 70 triệu đồng.
Đối với chủ xe là doanh nghiệp, phạt tiền 2-4 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định. Tuy nhiên tổng mức phạt tiền tối đa được thay đổi từ không vượt quá 80 triệu như trước đây được tăng lên không vượt quá 150 triệu đồng.
Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, trước đây cơ quan chức năng chia làm 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1-16 triệu đồng.
Tại Nghị định 123, cơ quan chức năng kiến nghị chỉ còn 3 mức xử lý gồm: Quá tải 10-20%, 20-50% và trên 50% với mức xử phạt lần lượt là 4-6 triệu đồng, 13-15 triệu đồng và 40-50 triệu đồng.
Chủ xe phương tiện cũng bị tăng mức phạt từ 18 đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36-150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe./.