a-1639921939.jpg

QL8 là tuyến đường huyết mạch lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 4 ngày (7-10/12), tại Km69+700 tới Km84+660 trên QL8 đoạn đi qua huyện Hương Sơn (gần khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) liên tiếp xảy ra 4 vụ TNGT (2 vụ xảy ra ở đoạn đường do Cục Quản lý đường bộ II quản lý và 2 vụ xảy ra ở đoạn đường đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án 4 nhưng chưa triển khai thi công). Các vụ việc dù không thiệt hại về người nhưng gây ách tắc giao thông trên tuyến QL8.

Đặc biệt, vụ tai nạn xe tải chở gỗ đi vào đường cong, tự lật đổ vào lúc 14h30 ngày 10/12 tại Km69+700 trên QL8 đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn khi đang lưu thông theo hướng từ Cửa khẩu quốc tế Cầu treo về thị trấn Phố Châu khiến cho đoạn tuyến chỉ lưu thông được 1 làn xe, ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Ngoài yếu tố thời tiết, tuyến đường đang thi công, ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện chưa cao thì có nguyên nhân do các cơ quan, đơn vị quản lý đoạn tuyến bố trí, tổ chức thi công, điều tiết, đảm bảo ATGT chưa hợp lý, chưa kịp thời báo cáo đến các cơ quan chức năng trên địa bàn để phối hợp tổ chức điều tiết giao thông khi có sự cố xảy ra.

b-1639921964.jpg

Vụ lật xe chở gỗ vào 14h30 ngày 10/12 tại Km69+700 trên QL8 đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho phương tiện, chống ùn tắc trên tuyến QL8, nhất là thời điểm cuối năm số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao,

Theo đó, Cục Quản lý đường bộ II thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đơn vị quản lý (đối với đoạn tuyến không bàn giao thi công), chủ đầu tư, nhà thầu thi công (đối với đoạn đã bàn giao cho nhà thầu) khẩn trương khắc phục, sửa chữa các vị trí mặt đường, lề đường hư hỏng; vệ sinh mặt đường đảm bảo điều kiện lưu thông an toàn; bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị để cảnh báo, hướng dẫn, điều tiết và kịp thời khắc phục các sự cố xảy ra trên các đoạn tuyến nhằm đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Rà soát, kiểm tra đánh giá các vị trí đường cong có bán kính nhỏ, độ dốc dọc lớn, độ mở rộng trong đường cong không đảm bảo điều kiện lưu thông an toàn cho các loại xe tải, xe đầu kéo, xe sơ mi - rơ moóc. Đặc biệt, các đoạn đường đã từng gây lật đổ xe hoặc các vị trí khác có độ dốc dọc, dốc ngang lớn có nguy cơ gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông.

Đối với Ban Quản lý dự án 4 cần chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, mặt đường để tránh trơn trượt mất ATGT trong phạm vi các đoạn tuyến đã nhận bàn giao mặt bằng thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL8.

c-1639921989.jpg

Các vụ TNGT khiến cho phương tiện di chuyển trên tuyến QL8 gặp nhiều khó khăn.

Trong điều kiện mặt bằng thi công chật hẹp, vừa thi công vừa khai thác, do đó phải chỉ đạo các nhà thầu tổ chức cuốn chiếu, làm nhanh, gọn, không kéo dài các đoạn tuyến thi công, tránh gây cản trở, ách tắc giao thông.

Chỉ đạo nhà thầu trí đầy đủ hệ thống báo hiệu, đảm bảo ATGT trong quá trình thi công, bố trí đầy đủ người trực gác, điều tiết giao thông và chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị để xử lý kịp thời các sự cố có thể gây mất ATGT và ách tắc giao thông.

Các đoạn tuyến từ Km48+200 tới Km52+3,4 đang thi công lớp móng cấp phối đá dăm dễ xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi khi có mưa, bụi khi khô ráo, gây khó khăn cho các phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, chỉ đạo nhà thầu khẩn trương, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công hoàn thiện mặt đường.

Một số đoạn mái ta luy trên tuyến có nguy cơ sụt trượt cao, thường xuyên tuần tra, kiểm tra các đoạn xung yếu để có kiến nghị, đề xuất điều chỉnh phương án thiết kế đảm bảo ổn định lâu dài và kịp thời xử lý sự cố sụt trượt nếu có.

Với các đoạn có đường cong liên tục, bán kính nhỏ (đặc biệt đối với đoạn Km67+00 tới Km75+800 đang khảo sát thiết kế) đề nghị nghiên cứu giải pháp xử lý để giảm thiểu nguy cơ mất ATGT.

Cục Quản lý đường bộ II, Ban Quản lý dự án 4 cần thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng tỉnh khi có sự cố xảy ra và kịp thời bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan nói trên thực hiện công tác điều tiết giao thông.

Đối với Sở GTVT, Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, UBND huyện Hương Sơn, khi nhận được báo cáo về sự cố xảy ra trên tuyến đường (sụt trượt, tai nạn giao thông gây ùn tắc...), kịp thời báo cáo với lãnh đạo tỉnh và phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai lực lượng khắc phục sự cố, đảm bảo ATGT tuyến đường kịp thời, hiệu quả./.