Năm lớp 12, Trang xa lánh không chỉ thầy cô, bạn bè mà cả bố mẹ. Em nhốt mình trong phòng ngoài giờ đi học.
Niềm tự hào của gia đình đến "con nghiện YouTube"
Niềm tự hào của gia đình đến "con nghiện YouTube"
Nữ sinh Nguyễn Thị Trang (18 tuổi, Nam Định - tên nhân vật đã được thay đổi) từng là niềm tự hào của gia đình. Trước đây em là học sinh giỏi cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Ở lớp, Trang hiền lành và rất hòa đồng. Em tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa của trường nên được bạn bè, thầy cô yêu mến.
Bi kịch ập đến vào năm lớp 11. Để khen thưởng thành tích học tập của Trang, bố mẹ đã tặng em một chiếc điện thoại di động đời mới. Thời gian đầu, Trang chỉ dùng điện thoại nhận các cuộc gọi và nhắn tin cho người thân. Dần dần em bị thu hút vào thế giới ảo, những cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội. Các clip thú vị trên YouTube cũng khiến em không dứt ra được.
Ngoài giờ học trên lớp vào buổi sáng, toàn bộ thời gian còn lại Trang đều dành cho điện thoại. Ngay cả khi tắm rửa, đi vệ sinh, Trang cũng không rời khỏi chiếc smartphone. Có những hôm, em thức thâu đêm để lướt web, xem các clip trên Facebook, YouTube.
Anh Nguyễn Thành Phong - bố của Trang nhận thấy sự thay đổi bất thường của con gái nhưng chủ quan về mức độ nguy hiểm. Anh cho rằng con đang độ tuổi teen nên tâm sinh lý thay đổi. Cho đến một ngày, anh nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm mời gia đình lên làm việc.
Cô giáo cho biết, thành tích học tập của Trang xuống dốc thảm hại. Không chỉ vậy em còn xa lánh bạn bè, giờ ra chơi chỉ ngủ hoặc xem điện thoại. Tưởng con gái đang yêu đương, anh Phong gặng hỏi nhưng Trang nhất quyết không nói.
Nữ sinh Trang hiện đang phải điều trị bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
Chỉ đến khi bố mẹ cắt mạng internet, không cho dùng mạng xã hội và điện thoại nữa thì Trang nổi điên, la hét và đập phá đồ đạc. Em còn dọa tự tử nếu không được sử dụng điện thoại.
Năm lớp 12, Trang xa lánh không chỉ thầy cô, bạn bè mà cả bố mẹ. Em nhốt mình trong phòng ngoài giờ đi học. Thành tích trên lớp tụt giảm đến mức Trang bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi. Nhưng Trang không mấy quan tâm vì thế giới của em lúc đó chỉ xoay quanh chiếc điện thoại.
Một ngày, chị Mây - mẹ của Trang dọn dẹp phòng con gái và phát hiện sự việc động trời. Hóa ra bấy lâu nay, Trang tham gia một hội nhóm trẻ và có thử thách là tự làm đau mình hoặc tự tử. Nhóm này cho rằng, đó là cách giúp con người giải thoát khỏi những đau khổ của cuộc sống.
Quá hoảng sợ, vợ chồng anh Phong - chị Mây đã bàn bạc với nhau cho con đi chữa bệnh. Anh Phong nhờ người chích thuốc mê rồi đưa con gái đến thẳng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để cai nghiện mạng xã hội.
Tại đây, Trang được chẩn đoán bị trầm cảm nặng. Cô bé liên tục đòi dùng điện thoại, nếu không được như ý, cô có thể la hét, ném đồ đạc. Không ai có thể tưởng thượng một cô gái 18 tuổi, xinh xắn, cao ráo và trắng trẻo ấy lại có thể mắc phải căn bệnh trầm cảm...
Mạng xã hội có thể thay đổi tính cách của trẻ
Thực tế, Trang không phải trường hợp duy nhất thay tính đổi nết vì nghiện mạng xã hội. Trước em, từng có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị nghiện mạng xã hội và phải gặp chuyên gia tâm lý để điều trị. Năm 2019, một bé trai 14 tuổi ở TP.HCM phải vào khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 để trị chứng nghiện xem YouTube.
Về các ảnh hưởng của mạng xã hội đến trí não trẻ, từng có rất nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu phản ánh điều này. Tiến sĩ Baroness Greenfield - Đại học Oxford cho biết: "Tác hại mà các website mạng xã hội đem lại sẽ khiến não của trẻ chậm phát triển, đồng thời ảnh hưởng đến tính cách của bé, khiến trẻ trở nên lầm lì, ít giao tiếp và dễ mắc chứng tự kỉ".
Mạng xã hội có thể làm thay đổi tính cách của trẻ
Trong khi đó, bà Sue Palmer, tác giả cuốn sách Toxic Childhood (Tạm dịch: Tuổi thơ độc hại) bày tỏ: "Trí não và tư duy của trẻ ngày càng bị tổn hại nghiêm trọng bởi chúng không hề tham gia vào các hoạt động bình thường, mà thay vào đó là sử dụng máy tính nhiều giờ mỗi ngày. Công nghệ và máy tính là công cụ tốt để phát triển tư duy của trẻ. Thế nhưng trước khi cho trẻ làm quen với máy tính, chúng cần được học cách giao tiếp, tư duy và ứng xử như một người bình thường".
Để trị chứng nghiện mạng xã hội cho con, trước hết bố mẹ cần biết những biểu hiện của căn bệnh này. Cụ thể trẻ nghiện mạng xã hội thường có các biểu hiện sau:
- Luôn nghĩ về game, internet, mạng xã hội, lúc nào cũng tìm tòi để chơi và sử dụng.
- Cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi hay không được sử dụng.
- Sa sút học tập, giảm chất lượng cuộc sống, mất dần các mối quan hệ ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game, internet và mạng xã hội (không quan tâm đến người xung quanh, thu hẹp giao tiếp với mọi người).
- Chơi game, sử dụng internet hoặc mạng xã hội quá 6 giờ/ngày.
Để giúp con cai nghiện MXH thành công, bố mẹ cần làm những điều sau:
- Là một tấm gương trong việc sử dụng và kiểm soát việc sử dụng các thiết bị di động để chơi game, internet và mạng xã hội, bởi vì mọi thái độ và hành động của các bậc phụ huynh luôn là bài học thực tiễn sâu sắc để các con noi theo và học tập mỗi ngày.
- Dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, đặc biệt là hướng dẫn con sử dụng và phòng ngừa tác động xấu từ game, internet, và mạng xã hội.
- Dành thời gian quan tâm, nhắc nhở và xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ, để sớm phát hiện những vấn đề khó khăn, căng thẳng, rối nhiễu tâm lý để hỗ trợ giải tỏa kịp thời.
- Ngắt kết nối mạng khi không thực sự cần thiết.
- Dùng phần mềm quản lý tự ngắt máy tính, điện thoại.
- Cùng lập thời gian biểu và cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích như giải trí, thể thao, hoạt động sở thích, hoạt động tập thể ngoài trời và luôn có sự hỗ trợ để trẻ thực hiện đảm bảo thành công thời gian đầu. Luôn khuyến khích động viên kịp thời để trẻ có hứng thú tham gia tích cực.
- Cho trẻ đi can thiệp một số chuyên gia có chuyên môn như: Tâm lý học đường, chuyên gia tâm lý lâm sàng, chuyên gia tham vấn tâm lý… (khi cần)./.