Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn là di sản văn hóa độc đáo của người dân vùng biển Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Việc được Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ngày 27/5/2021) khiến người dân Cẩm Nhượng càng thêm tự hào.
Tự hào khi Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia


Lễ rước Ngư Ông ra biển trong Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn năm 2018 (Ảnh tư liệu: Hương Thành)

Những ngày này, người dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) ai cũng hân hoan, phấn khởi khi lễ hội cầu ngư độc đáo của địa phương mình vừa được Bộ VH-TT&DL vinh danh.

Nghệ nhân Trương Văn Hứa ở thôn Xuân Bắc (Cẩm Nhượng) bày tỏ: “Khi được thông tin Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào. Bởi, nét văn hóa đặc sắc của ngư dân Cửa Nhượng chúng tôi đã được Nhà nước vinh danh. Điều đó giúp lễ hội cầu ngư - hò chèo cạn được nhiều người biết đến và cùng gìn giữ, phát huy trong đời sống văn hóa quê hương, dân tộc”.

Cụ Trương Văn Hứa năm nay đã 90 tuổi và là người có công lớn trong việc sưu tầm, soạn lại lời hò chèo cạn cùng các nghi thức của lễ hội cầu ngư vốn từng bị mai một suốt một thời gian dài trước đây.

Theo cụ Hứa, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn ra đời cách đây hàng trăm năm, xuất phát từ tín ngưỡng tâm linh thờ đức Ngư Ông (cá voi) của ngư dân Cẩm Nhượng. Lễ hội nhằm tri ân, tưởng nhớ công đức người xưa, cầu mong trời đất mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá và ngư dân đi biển được bình an...

Tự hào khi Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia


Cụ Trương Văn Hứa là người có hơn 30 năm sưu tầm và khôi phục lại lễ hội cầu ngư - hò chèo cạn

Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn có 4 phần: nghi thức; tế lễ; lễ rước Đức Ngư Ông ra biển; lễ tế tại miếu thờ cá voi. Trong đó, linh hồn của lễ hội là các điệu hò chèo cạn được diễn xướng trong các nghi thức lễ hội...

Tự hào khi Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia


Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn được tổ chức năm 2017. (Ảnh tư liệu: Hương Thành)

Là một ngư dân đồng thời là thành viên đội hò chèo cạn, ông Nguyễn Văn Bỉnh (thôn Liên Thành, Cẩm Nhượng) cho biết: “Đối với ngư dân Cẩm Nhượng chúng tôi, Đức Ngư Ông là vị thần thiêng liêng luôn hộ trì cho mình mỗi lần đi biển. Lễ hội cầu ngư là sự bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi với ngài. Lễ hội cầu ngư được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khiến mỗi người dân Cẩm Nhượng chúng tôi rất tự hào”.

Ông Bỉnh cũng cho biết, sau khi biết tin, hai người con trai của ông Bỉnh đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan cũng đã điện về cho bố mẹ bày tỏ sự vui mừng với sự kiện này.

Tự hào khi Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia


Tuy đã chuẩn bị cho lễ rước bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng để đảm bảo an toàn phòng dịch, người dân Cẩm Nhượng đành phải gác lại hoạt động này.

Không chỉ người dân Cẩm Nhượng, việc lễ hội cầu ngư được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cũng khiến người dân Cẩm Xuyên vui mừng. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng người dân Cẩm Nhượng mà còn của người Hà Tĩnh nói chung. Điều đó khẳng định, Hà Tĩnh là miền đất giàu giá trị văn hóa đã và đang được các cấp, ngành quan tâm bảo tồn và phát huy.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Với người dân Cẩm Nhượng, lễ cầu ngư không chỉ là một lễ hội thuần túy mà còn bao gồm cả không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Vì thế, ngay từ khi có thông tin Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nhân dân rất vui mừng. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị một lễ rước bằng và tái hiện lại không gian lễ hội một cách quy mô vào đầu tháng 6/2021, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tạm thời hoãn lại”.

Tự hào khi Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia


Người dân xã Cẩm Nhượng trang hoàng lại miếu Ngư Ông trước đợt lễ giỗ ngày 8/4 (âm lịch) vừa qua.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Đợi tình hình dịch bệnh ổn định, cuộc sống bình thường trở lại, chúng tôi mới tổ chức lễ hội rước bằng trang trọng. Như thế mới xứng tầm giá trị của một di sản văn hóa mà bao thế hệ Nhân dân tiếp nối giữ gìn”./.