1-1671341110.jpg

“Tự hào Di sản Văn hóa Việt Nam” năm nay là lần thứ 5 được tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022) và chào đón năm mới Xuân Quý Mão 2023. Chương trình do Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Việt Nam tổ chức vào sáng 17/12/2022 tại Nhà Quốc hội (số 1 đường Độc Lập, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội). Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV, cùng các đồng chí đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại chương trình, TS. Phạm Việt Long, Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, chia sẻ: Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển là một cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và là tổ chức văn hoá nghệ thuật hiếm hoi trong Liên hiệp Hội, gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, đã tạo được dấu ấn trong đời sống văn hóa cả nước và có ảnh hưởng lớn ra thế giới. Viện đã phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các địa phương và nước ngoài tổ chức nhiều hội thảo khoa học trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, văn hoá tâm linh, văn hoá phật giáo…. thu hút sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước.

3-1671341135.jfif
TS. Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phát biểu tại chương trình

Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động mang tính lý luận và thực tiễn cũng được Viện triển khai dưới hình thức hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện… thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các học giả, các doanh nhân, các nghệ nhân... Năm nay, Viện đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học Văn hoá thờ Mẫu của người Việt (Những nội dung cơ bản). Viện đã phối hợp nhiều cơ quan ban ngành tổ chức các hoạt động đưa nghệ thuật dân tộc đến với thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật truyền thống của ông cha, biết trân trọng những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

TS. Phạm Việt Long cũng cho biết, chương trình “Tự hào Di sản Văn hóa Việt Nam” là chương trình đặc sắc về văn hoá, thường niên. Qua chương trình này, được gặp gỡ với đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV, cùng các đồng chí đại biểu Quốc hội, TS. Phạm Việt Long đưa ra ý kiến nên xã hội hoá việc biểu dương, khen thưởng trên lĩnh vực văn hoá, vinh danh những người hoạt động văn hoá; chỉ có như vậy, thì mới tương xứng với phong trào xã hội hóa hoạt động văn hóa, thúc đẩy được sự phát triển hơn nữa của văn hoá. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có cái nhìn khách quan, là động lực cho văn hoá phát triển trong thời đại mới.

4-1671341177.jpg
NSƯT Nguyễn Hữu Kha, Đoàn Dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh, đã nói về quan họ Bắc Ninh

Tại chương trình, NSƯT Nguyễn Hữu Kha, Đoàn Dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh, đã nói về quan họ Bắc Ninh: Vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh trước đây được coi là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Nơi đây đã hội tụ, sản sinh ra Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các hình thức diễn xướng dân gian của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ.

Mỹ học trong Dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác về mối quan hệ giữa người với người thông qua thái độ tôn trọng nghĩa tình và lòng thủy chung son sắt. Trong quá trình hình thành và phát triển, với sự sáng tạo tài tình của các nghệ nhân, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã tiếp thu và phát triển trên nền tảng của nhiều loại hình dân ca khác nhau của các vùng miền để tạo nên một phong cách, một lối chơi đặc trưng.

Có nhà nghiên cứu đã nhận xét: Dân ca Quan họ Bắc Ninh là kết tinh, là đỉnh cao của thi ca và âm nhạc dân tộc Việt Nam. Với khoảng 400 bài ca nằm trong hệ thống của hơn 213 giọng (điệu), sinh hoạt Dân ca Quan họ Bắc Ninh đòi hỏi tính chất quy củ, khuôn phép chặt chẽ, tuân theo lề lối nhất định thông qua nhiều hình thức diễn xướng như: Hát canh, hát đối đáp, hát hội, hát chúc, hát mừng, hát cầu đảo, hát kết chạ...

Năm 2005, Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày 30-9-2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh; chính thức được kỳ họp thứ tư Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Ðại diện của Nhân loại.

5-1671341207.jfif

Chương trình “Tự hào Di sản Văn hóa Việt Nam” lần thứ 5 một lần nữa khẳng định, tôn vinh những giá trị tinh hoa của quan họ Bắc Ninh. Tại chương trình, cũng được lắng nghe ý kiến của Nghệ nhân Đỗ Thị Hồng Đà, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá hát xoan tỉnh Phú Thọ. Bà Đà cho biết, Phú Thọ là miền đất cổ, có hai Di sản thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan được tổ chức UNESCO vinh danh. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Con người Phú Thọ lưu giữ nhiều tính cách đặc trưng của con người Việt Nam, giàu sáng tạo trong lao động, giàu khí phách trong đấu tranh, giàu lòng nhân ái trong lối sống. Có óc thẩm mỹ và hai bàn tay tài hoa của người nghệ sỹ đã xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Từ vùng đất và con người ấy đã sản sinh ra nền văn hóa vô cùng phong phú. Trải qua bao biến đổi của thời gian. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã vĩnh hằng trong tiềm thức của nhiều người và hiển hiện trước thiên nhiên đầy thử trách.

Nhân dịp chương trình “Tự hào Di sản Văn hóa Việt Nam” được tiếp kiến với đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV, cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, bà Đà xin đề xuất với Ủy ban Dân tộc của Quốc hội một vài ý kiến. “Nên quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của các Chi hội và mối quan hệ với địa phương. Để tạo điều kiện cho các Chi hội hoạt động được tốt như về biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất để các Chi hội hoạt động được tốt để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các Di sản Văn hóa của dân tộc như Nghị quyết XIII của Đảng đã đề ra, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

6-1671341245.jfif
Ông Nguyễn Nghiêm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội phát biểu

Sau khi nghe phát biểu của các nghệ sĩ, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, xúc động nói: “Tôi rất vui mừng khi được có mặt tại đây dự buổi gặp mặt thân mật với các đại biểu là các nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu trên toàn quốc về Thủ đô Hà Nội tham dự lễ dâng hương báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chương trình: Tự hào di sản Văn hoá Việt Nam lần thứ 5 năm 2022. Nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022) và chuẩn bị chào đón năm mới Xuân Quý Mão (2023), cho phép tôi được gửi tới các nghệ nhân, nghệ sỹ cùng toàn thể các quý vị đại biểu có mặt hôm nay lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

7-1671341290.jpg
Đồng chí Nguyễn Nghiêm Thành (thứ 2 bên trái) và Đỗ Mạnh Hùng (thứ 2 bên phải sang) trao Giấy chứng nhận và biểu trưng cho những cá nhân đã có công bảo tồn, gìn giữ và  phát huy văn hoá dân tộc

Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là việc làm hết sức quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, tôi hoan nghênh và đánh giá cao Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển đã có sáng kiến tổ chức chương trình nghệ thuật: “Tự hào di sản Văn hoá Việt Nam”.

8-1671341328.jpg

Đồng chí Nguyễn Lâm Thành cũng đánh giá chương trình hết sức ý nghĩa, có quy mô, và nên được lan toả đến cộng đồng. Chương trình lần này với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như quan họ, chầu văn, hát xoan, hát xẩm… do các nghệ nhân, các nghệ sỹ đến từ các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc biểu diễn là hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của các vùng miền, đặc biệt là di sản Việt Nam được UNESCO công nhận với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

9-1671341352.jpg

Qua các hoạt động nói trên, thể hiện trách nhiệm, tinh thần yêu nước, niềm tự hào của người dân Việt Nam, đặc biệt  là thế hệ trẻ, với di sản văn hóa của đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, chương trình còn định hướng cho cộng đồng nhận thức đầy đủ về giá trị của các di sản văn hoá dân tộc theo đúng quy chuẩn phù hợp với thuần phong mỹ tục và góp phần vào hoạt động hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại chương trình, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã nhận được giấy chứng nhận và biểu trưng vì đã có công bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hoá dân tộc./.

Theo Tiểu Vũ - phuongnam.vanhoavaphattrien.vn