“Chúng tôi đánh giá là tự chủ đang thực hiện rất nửa vời” - Đây là nhận định của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan; Chủ tịch Hội dược học, Phó Chủ tịch Hội đông y TP.HCM, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM.
Bà Phong Lan cho rằng, tự chủ bệnh viện thực chất chỉ mới dừng ở mức Nhà nước giảm hoặc không cung cấp lương nữa, nhưng còn tất cả những vấn đề khác từ tài chính cho tới nhân lực thì bệnh viện hoàn toàn chưa thể tự chủ được. Chính vì vậy đã phát sinh rất nhiều hệ lụy.
Từ “tự chủ nửa vời”…
Đây là thực tế phải nhìn nhận, khi sau 2 năm thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, chỉ thực hiện theo Nghị định 60.
Chỉ trong một tuần, hai bệnh viện lớn tuyến trung ương xin dừng tự chủ đã phơi bày thực tế tự chủ nhưng lại hạn chế rất nhiều vai trò của bệnh viện. Những lý do được đưa ra là do tình trạng khó khăn chung như các bệnh viện công vì nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế, tự chủ trên danh nghĩa…
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu không đủ tiền để đầu tư thì vì tự chủ bệnh viện sẽ không đúng nghĩa, hay gọi là “nửa vời” và bệnh viện sẽ không phát huy được. Các bệnh viện bị khống chế về giá, dẫn đến hệ lụy là chất lượng không bảo đảm, nếu ngược lại thì sẽ gây mất uy tín cho Bảo hiểm y tế (BHYT). Cuối cùng, vẫn là người dân bị mất quyền lợi, người bệnh bị thiệt thòi.
Theo bà Phong Lan, trường hợp bệnh viện công lập xung phong làm tự chủ thì họ phải được tự chủ hoàn toàn, từ quyết định nhân lực đến tự chủ về cơ chế tài chính, có thể mua theo định suất của bảo hiểm và sau đó tự mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc. Điều này liên quan chặt chẽ đến thương hiệu, y hiệu của bệnh viện và hiệu quả điều trị bệnh nhân là yếu tố được đặt lên cao nhất.
“Bệnh viện sẽ biết cần gì và mua sắm gì, tránh tình trạng mua tập trung hay bắt buộc phải mua theo giá trúng thầu thấp nhất. Cuối cùng nó lại không đáp ứng yêu cầu của các bác sĩ trong điều trị cho bệnh nhân. Theo tôi, rất nhiều quốc gia phát triển các bệnh viện theo đúng quy luật như vậy và không có sự can thiệp sâu từ chính quyền.
Nếu chúng ta can thiệp, chúng ta yêu cầu đấu thầu, tính toán từng mặt hàng một và cái nào cũng phải là giá rẻ nhất, sang năm lại phải rẻ hơn. Cứ như vậy thì chất lượng sẽ đi về đâu. Chưa kể sự tốn kém rất lớn về nguồn nhân lực khi cần số lượng nhân viên y tế cho vấn đề cung ứng này và chưa kể lại những hệ lụy hình sự hóa sau này nếu làm sai sót, có sai phạm. Do vậy, khi Luật khám, chữa bệnh có quy định bệnh viện công lập như thế nào và sẽ đảm nhận cho một bộ phận dân cư có BHYT và những đối tượng thuộc diện chính sách. Những phần khác, chúng ta tính đúng theo giá trị thị trường”, ĐBQH đoàn TP.HCM nhấn mạnh.
Theo ý kiến chuyên gia, BHYT là cơ chế rất tiến bộ, rất tốt, nhưng về việc vận hành thì còn rất nhiều điểm chưa ổn giữa cân đối thu chi. Như vậy, chỉ có cách là siết nguồn chi, trong khi thực chất BHYT đa số vẫn là ngân sách chi trả, đặc biệt cho những trường hợp chính sách. Theo bà Phong Lan, khi liên quan đến nguồn vốn Nhà nước luôn có những hạn chế và các bệnh viện không thể phát triển một cách bình thường được, thay vào đó phải khống chế về giá.
“Chúng ta luôn nhắc đến yêu cầu “thầy thuốc như mẹ hiền”, nhưng “thầy thuốc như mẹ hiền” không phải là khám, chữa bệnh miễn phí hay khám, chữa bệnh giá rẻ mà phải làm sao khám chữa bệnh hiệu quả, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe. Nếu những vấn đề vừa nêu khiến chất lượng khám, chữa bệnh càng ngày càng đi xuống sẽ gây mất lòng tin của người dân thì lúc đó không còn tồn tại khái niệm “thầy thuốc như mẹ hiền”, bà Lan nói.
Đến sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh đã lạc hậu…
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 đã lạc hậu, nhưng nếu sửa đổi mà vẫn theo hướng tập trung quyền lực để Bộ Y tế, Sở Y tế quản lý hết thì đó không phải là xu hướng của thế giới mà sẽ tiếp tục đi theo vết xe đổ cũ.
Do đó, sửa đổi luật lần này phải làm sao rõ ràng trong cơ chế về các cơ sở khám và điều trị bệnh, công ra công, tư ra tư. Hệ thống công lập khám chữa bệnh BHYT phải với giá trị tương đương thị trường, tức là không có việc ép giá, đấu thầu để chọn mức giá rẻ nhất.
“Chính vì vậy, theo tôi việc sửa đổi Luật khám, chữa bệnh lần này phải làm sao để cho nó rõ ràng trong cơ chế về các cơ sở khám và điều trị bệnh. Công phải ra công và tư phải ra tư. Hệ thống tư nhân, người ta tự định giá, nhưng trong hệ thống công thì được khám, chữa bệnh bằng quỹ BHYT, chúng ta phải nghiên cứu để cho giá trị đó nó tương đương với giá trị thị trường.
Tức là không có chuyện tính toán bớt khoản này bớt khoản kia và ép giá, cũng như đấu thầu để có những mức giá rẻ nhất. Thay vào đó, phải làm sao bảo đảm được chất lượng khám và điều trị. Chúng ta có thể rút bớt số lượng bệnh viện công lập, nhưng công lập phải ra công lập và ngân sách Nhà nước phải bù cho tất cả những chuyện này một cách rõ ràng. Bệnh viện công lập thì Nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ và thanh toán giá của BHYT theo đúng như giá thị trường”, bà Phong Lan nói.
ĐBQH đoàn TP.HCM cũng khẳng định, không thể để tiếp tục tình trạng một bệnh viện hai loại giá, vừa giá dịch vụ, vừa giá bảo hiểm. Giá bảo hiểm thấp thấp hơn giá dịch vụ nhưng yêu cầu chất lượng tương đương nhau thì tất cả những điều này là phi logic.
TS.BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai: “Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa”.
Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K: “Hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT thì theo quy định chung, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng khung giá cũng chưa được ban hành nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn. Vấn đề tuyển dụng nhân lực cũng gặp những khó khăn nhất định”.