Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm. Tuy nhiên đến nay chỉ có 2 bệnh viện thực hiện Nghị quyết lại đề xuất xin dừng thí điểm vì gặp nhiều khó khăn về vốn, rào cản pháp lý…

Nhiều khó khăn, bất cập

Ngay sau khi lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất dừng thí điểm tự chủ tài chính toàn diện, đến lượt bệnh viện K cũng có đề nghị tương tự.

GS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, việc tự chủ đối với sự nghiệp công lập được đánh giá là có ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề lại có một đặc thù riêng, việc áp dụng tự chủ phải phù hợp với từng thời điểm và ở mức độ phù hợp.

0321-img-1553-1661499235.jpg
Sau hai năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào

Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân ung thư thì việc tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 cũng có những bất cập.

Trong thời gian tới, nếu Bệnh viện Bạch Mai được cho phép tự chủ theo Nghị định 60 và ở nhóm II thì bệnh viện K cũng xin áp dụng như bệnh viện Bạch Mai, GS Quảng cho hay.

Nghị quyết 33 là Nghị quyết của Chính phủ có tính chất là thí điểm đề án và hiện nay mới có Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thí điểm nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết này thì đang được soạn thảo, chưa hoàn thiện. Đây là vướng mắc quan trọng nhất để thực hiện tự chủ bệnh viện

“Sau hai năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào. Trong khi máy móc, thiết bị là cực kì quan trọng trong khám chữa bệnh, đặc biệt là các thiết bị tiên tiến, hiện đại đắt tiền để phục vụ chuẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư.

Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo qui định nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn cho bệnh viện.

Nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì bệnh viên phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng chưa có qui định rõ. Do vậy, Bệnh viện K cũng đang lúng túng trong việc đóng thuế đất và chưa biết xử lý thế nào”, GS Quảng nêu lên những khó khăn, bất cập.

“Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối chuyên ngành ung thư không chỉ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu mà còn nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến trên cả nước, hỗ trợ cơ sở vùng khó khăn.

Nếu thực hiện tự chủ toàn diện cũng vẫn sẽ gặp những khó khăn nhất định như bệnh nhân ung thư phải chi trả nhiều hơn, ngay cả khi có hành lang pháp lý, việc thực hiện tự chủ toàn diện cũng cần theo lộ trình”, GS Lê Văn Quảng đề xuất.

Không thể thí điểm trong “sương mù” chính sách?

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, việc 2 bệnh viện lớn là Bạch Mai và K đang có đề xuất xin dừng thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc … điều này đặt ra vấn đề tính khả thi, xét trên cả tính phù hợp thực tiễn và cơ sở pháp lý.

0356-yyi-biyu-lyu-binh-nhyyng-1661499283.jpgÔng Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc Hội.

Đề án thí điểm có giao nhiệm vụ cho bệnh viện nhưng Chính phủ, Bộ Y tế không có các văn bản quy phạm, văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính pháp lý và các cơ chế chính sách liên quan khác như đầu tư, mua sắm chưa đầy đủ. Đây là một rủi ro cả về chính sách và giải pháp triển khai cho đơn vị thực hiện. Đương nhiên cơ sở khám chữa bệnh công lập tầm cỡ hàng đầu của đất nước không thể, không dám tự mình thực hiện những hoạt động chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhất là “thí điểm”. Nói cách khác, họ không thể thí điểm trong “sương mù” chính sách. Vả lại, chính sách, pháp luật xét cho cùng mới chỉ là điều kiện cần mà chưa phải đã đủ.

Theo Nghị quyết 33 nói trên, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) kiêm Tổng Giám đốc/Giám đốc bệnh viện. Tuy nhiên, theo Nghị quyết hiên họp Chính phủ thường kỳ vào 11/2019, có nội dung điều chỉnh NQ 33 với nội dung “về tổ chức và nhân sự, theo hướng Chủ tịch Hội đồng quản lý không kiêm nhiệm Tổng Giám đốc/Giám đốc bệnh viện”.

Như vậy, tính nhất quán trong đề án liệu được đảm bảo hay chưa? Hơn nữa, các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý được thiết kế trên cơ sở Giám đốc bệnh viện đồng thời là Chủ tịch HĐQL, nên khi thay đổi về cơ cấu thành phần HĐQL nhưng không có bất kỳ điều chỉnh về phương thức quản lý điều hành là chưa phù hợp về logic luật pháp, thiếu chặt chẽ và thống nhất?

Mô hình thí điểm đặt ra mối quan hệ không rõ ràng về trách nhiệm và phương thức chỉ đạo điều hành giữa Đảng ủy cơ quan (bí thư) - HĐQL (Chủ tịch HĐQL) và Ban lãnh đạo (Giám đốc). Một bệnh viện công lập có HĐQL bệnh viện và Giám đốc bệnh viện sẽ giống như mô hình doanh nghiệp.

Việc chỉ có 2 trong 4 bệnh viện thực hiện cũng cho thấy tính thiếu nhất quán và thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện, càng chứng tỏ sự ngập ngừng, thiếu chắc chắn trong quản lý. Điều cần cân nhắc đây là các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, không chỉ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu mà còn có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và là chỗ dựa cho các bệnh viện tuyến cuối.

“Nếu tự chủ toàn diện sẽ dẫn đến hoạt động thiên về cung cấp dịch vụ có nguồn thu, ảnh hưởng đến nhiệm vụ ổn định, phát triển hệ thống và chức năng an sinh xã hội của bệnh viện. Việc này cho thấy chúng ta đang quá du kích trong chính sách nên rất khó có kết quả khả quan”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm./.