Mới đây, liên tiếp 2 vụ việc nam sinh lớp 10 ở Hà Nội và nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh tự tử do không chịu được áp lực cuộc sống khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Trong lá thư tuyệt mệnh của cả 2 em, đều nhắc đến những từ ngữ như mệt mỏi, chán nản, áp lực. Đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc thương tâm tương tự đã xảy ra.

Nhiều người cho rằng, tuổi đời của các em còn quá trẻ, được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, vậy có áp lực gì lại khiến các em hành động dại dột như vậy, để lại nỗi đau khôn nguôi cho bạn bè, người thân và hơn ai hết là các bậc phụ huynh.

hoc-sinh-tu-tu-tai-nha-vi-ap-luc-hoc-tap-chan-dong-malaysia-16488733713691314291692-1648913495.jpg
Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra, trẻ em tự gây tổn thương cho bản thân mình do áp lực. (Ảnh minh họa)

Tuổi ăn, tuổi học, tuổi lớn, ưu tiên và mối lo của các em chỉ có thể là câu chuyện học hành và trường lớp. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn đặt nặng vấn đề này lên con mình, coi những điểm số, thành tích là ưu tiên hàng đầu mà chúng cần đạt được. Điều này vô tình gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, sức khỏe của trẻ.

Trao đổi với Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, ông cho biết: "Áp lực học tập mà nhiều cha mẹ, nhà trường, thầy cô đặt lên vô tình làm trẻ có cái nhìn méo mó về cuộc sống."

“Đừng khoác lên trẻ một chiếc cặp quá nặng”

Mỗi đứa trẻ sẽ có sự phát triển, những đặc điểm về thể chất, sức khỏe cũng như tâm, sinh lý khác nhau. Con nhà cô A 15 tuổi có thể bê được bình nước 20kg, nhưng con nhà cô B cũng bằng tuổi lại không thể làm được. Trong chuyện học hành cũng vậy. 100 đứa trẻ, không thể áp đặt chúng phải giống nhau, phải làm được những điều y như nhau.

Những câu nói, hành động dù xuất phát từ tình yêu thương như: “Con phải học được như bạn này, bạn kia, bạn làm được sao con không làm được, bố mẹ luôn sẵn sàng làm mọi thứ, cho con học thêm môn A, môn B để được giỏi toàn diện”... vô tình khiến trẻ bị áp lực, áp lực phải học thật giỏi để cha mẹ vui lòng.

Dù cho khả năng của chúng có thực sự làm được như vậy hay không, nhưng vẫn phải gồng mình, cố gắng hơn nữa từng ngày vì sự kỳ vọng quá lớn từ bố mẹ.

16488732692781106178255-1648913543.jpg
Đừng biến những kỳ vọng của cha mẹ, trở thành những áp lực vô hình đè nặng lên những đứa trẻ. (Ảnh minh họa)

“Mẹ rất quan tâm nhưng luôn làm sai, luôn thái quá…Bố là người ít quan tâm nhưng lại luôn muốn tỏ ra hiểu biết” - đó là những lời lẽ đau lòng trong một bức thư tuyệt mệnh để lại. 

Chia sẻ với phóng viên VOV,  Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD cho biết, trong chuỗi hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được thực hiện vào tháng 4/2021 tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều em học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình.

Đa số các em đều nói rằng, mình chưa thực sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí,…

“Cuộc đua thành tích của người lớn trong đó trẻ chính là công cụ”

Cuộc đua thành tích, điểm cao, trường chuyên lớp chọn, đạt giải lớn là câu chuyện xưa như trái đất, thời nào cũng có, ở đâu cũng gặp. Theo lời Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: “Không chỉ bố mẹ, mà chính các trường học, thầy cô cũng tận dụng những thành tích ấy để làm công cụ khoe khoang cho chính bản thân mình.”

Đây chỉ là những hành động, thói quen rất vô thường trong cuộc sống. Không bậc phụ huynh nào có con học giỏi lại không muốn khoe, không thầy cô, nhà trường nào có trò giỏi mà không muốn tuyên dương. Tuy nhiên, trong cuộc đua của người lớn, trẻ em lại là người bị đặt gánh nặng lên vai.

1648873273093961069266-1648913583.jpg
Cuộc đua thành tích của người lớn, nhưng trẻ em lại là những người bị đặt gánh nặng. (Ảnh minh họa)

“Chúng là những người yếu thế, ở bậc thấp nhất trong bậc thang của quyền lực, tiếng nói ít có giá trị nhất. Vô tình, việc bị áp lực bởi thành tích cho mọi người xung quanh mang đi khoe khoang sẽ tra tấn trẻ, dẫn đến những hành vi tiêu cực.” - Tiến sĩ chia sẻ thêm.

Căng thẳng diễn ra trong một thời gian dài, khiến trẻ dễ phát sinh các biểu hiện tâm lí bất ổn, hành hạ bản thân theo những cách cực đoan.

Thêm vào đó, việc chạy đua với thành tích khiến trẻ có ít hoặc không có thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài trường học khác. Từ đó, tuổi thơ sẽ không được trọn vẹn, một số trường hợp còn dẫn đến thiếu các kiến thức xã hội, kỹ năng mềm. 

Vì vậy, thay vì quá đặt nặng vấn đề học hành, các bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn tới đời sống tinh thần, sức khỏe, tâm sinh lý của con trẻ. Kiên nhẫn, ngồi xuống trò chuyện, tâm sự, chia sẻ để biết con đang nghĩ gì, cần gì và thích gì. Từ đó đưa ra đánh giá hợp lí về khả năng của trẻ. 

Đừng khoác lên cho chúng những chiếc cặp quá nặng bởi người mệt mỏi nhất không phải bố mẹ mà chính là các con.  Hay cũng đừng vì một vài lời nói, khoe khoang biến con trẻ trở thành công cụ để rồi một ngày chúng kiệt sức./.