Cuộc phản công Tháng Tám của Ukraine có diễn ra?
Những người quan tâm đến tình hình cuộc xung đột Nga-Ukraine luôn bị “hẫng hụt” bởi tuyên bố của Kiev. Vào giữa tháng Bảy, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố “hùng hồn” trước các nghị sĩ Mỹ khi đến thăm Kiev: “Tháng Tám sẽ là tháng quyết định của cuộc xung đột với đất nước chúng tôi...”.
Sau đó, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, sẽ có 3-6 tuần, để Quân đội Ukraine tràn ngập các vùng lãnh thổ đã mất, bao gồm cả Crimea và Donbass; tức là đến giữa tháng 9/2022, lãnh thổ Ukraine sẽ quay trở lại hiện trạng trước năm 2014?!
Với những tuyên bố hùng hồn của Kiev, nhiều người nghĩ rằng, sẽ có một cuộc phản công lớn quyết định của Quân đội Ukraine vào Kherson hoặc Melitopol; nhưng thời gian tiếp tục trôi đi, và không có cuộc phản công nào diễn ra.
Giới quân sự Ukraine cho rằng, nguyên nhân của cuộc phản công chưa thể tiến hành, là do những cơn mưa kéo dài ở Ukraine đã bắt đầu, vùng đất đen nổi tiếng sẽ trở nên nhão nhoét và các loại xe cơ giới không thể vượt qua.
Trong khi đó, cuộc xung đột có xu hướng vướng vào sa lầy, khi tất cả chỉ là các cuộc pháo kích lẫn nhau và các trận đánh chiến hào, giống Chiến tranh thế giới thứ nhất. Và khi này đạn pháo thậm chí cũng có nguy cơ bị bớt đi tác dụng, khi phải đâm xuống địa hình bùn lầy nhão nhoét.
Bây giờ đã là gần giữa Tháng Tám, đó là thời hạn mà các nhà lãnh đạo Kiev gọi là thời hạn cuối cùng, để Quân đội Ukraine tiến hành cuộc tổng phản công. Giới phân tích quân sự và những người quan tâm đến cuộc xung đột vẫn đang chờ đợi. Vậy tại sao cuộc phản công chưa diễn ra và liệu nó có diễn ra hay không?
Ukraine cần phép màu gì để mở cuộc phản công ở Kherson?
Mới đây, trang 19FortyFive của Mỹ đã đăng một bài phân tích của Paul Daniel, nguyên là một cựu Trung tá của quân đội Mỹ và hiện đã được chuyển sang ngạch dự bị, tác giả của một số cuốn sách về chủ đề quân sự.
Bài viết của Paul Daniel với đầu đề: “Ukraine cần những phép màu gì để mở chiến dịch phản công tại Kherson”.
Daniel dẫn nguồn cho biết, Tổng thống Ukraine không phải là người đầu tiên công khai hứa hẹn với Ukraine sẽ sớm giành lại quyền kiểm soát Kherson từ tay Nga. Để xác nhận, ông trích dẫn một số tiêu đề từ các phương tiện truyền thông phương Tây:
- Thời báo New York ngày 29/5: “Xung đột Ukraine leo thang khi Kiev tiến hành phản công”;
- CNN đăng ngày 9/6: “Ukraine mất thêm một phần lãnh thổ trong cuộc phản công ở vùng Kherson”;
- Bưu điện Washington ngày 29/6: "Người Ukraine giành lại lãnh thổ gần Kherson trong cuộc phản công lớn";
- Tờ The Economist ngày 3/7: "Ukraine đang chuẩn bị phản công để tái chiếm Kherson";
- Fox News ngày 28/7: “Tuyến tiếp tế cho Kherson đã bị cắt đứt: Cuộc phản công của Ukraine đang đạt kết quả ở thành phố phía nam”.
Thời gian tiếp tục trôi đi và Kherson vẫn hoàn toàn do Nga kiểm soát.
Tác giả chỉ rõ thêm: “Để thực hiện một cuộc tấn công quân sự thành công, Ukraine cần ba “phép màu” quân sự liên tiếp”.
Tuy nhiên cơ hội như của Paul Daniel nêu ra, nếu đạt được dù chỉ là một cũng là rất nhỏ, còn cả ba cơ hội xuất hiện một lúc là bằng không.
Cụ thể là "phép màu số 1". Bản chất của nó: Số lượng quân Nga phòng thủ ở Kherson sẽ không tăng thêm trong suốt chiến dịch khi quân Ukraine phản công; ngay cả khi Ukraine bắt đầu đạt được thành công.
Nhưng điều này gần như chắc chắn sẽ không xảy ra, Nga chắc chắn sẽ dồn lực để giữ Kherson, việc Moscow tăng quân số ngay khi xung đột ở khu vực này nổ ra, là điều gần như không phải bàn cãi.
Cho đến nay, Tổng thống Putin đã tránh được động thái mạo hiểm về mặt chính trị, khi không đưa nước Nga vào cuộc tổng động viên, mà chọn giữ cuộc sống bình thường nhất có thể, cho phần lớn người dân Nga.
Nếu Ukraine bắt đầu tổ chức tổng phản công, Tổng thống Putin có thể sử dụng một lượng vật chất và nhân lực khổng lồ để ngăn cản. Nhưng Ukraine thực tế không có sức mạnh nào như vậy.
Phép màu thứ 2: Nếu bằng cách nào đó Ukraine vượt qua tất cả các chướng ngại vật cần thiết để phát động một cuộc tấn công, và sau đó Nga không tăng cường quân phòng thủ tại Kherson.
Nếu có phép màu như vậy, thì Kiev vẫn chưa thể vượt qua được hai thách thức địa lý lớn:
Thứ nhất: Hiện tại, binh lính của Quân đội Ukraine đang ở trong các vị trí phòng thủ đã chuẩn bị sẵn sàng trong vùng lân cận Nikolaev, cách Kherson khoảng 60km về phía tây.
Các lực lượng phòng thủ của Ukraine chủ yếu dựa vào sự bảo vệ của một số khu vực đô thị, các công trình ngầm trong lòng đất, các chiến hào được xây dựng suốt 8 năm qua và trong các khu rừng gần đó.
Để tấn công Kherson, Quân đội Ukraine sẽ từ bỏ lợi thế phòng thủ trên và phải vượt qua gần 40km trên địa hình thảo nguyên rộng bằng phẳng.
Lúc này các loại hỏa lực của Nga sẽ có cơ hội sát thương binh lực Ukraine ngoài công sự và Quân đội Ukraine nhiều khả năng sẽ hứng chịu thiệt hại nặng trước khi kịp tiếp cận tới chiến tuyến của Nga.
Thứ hai là vật cản sông Dnepr. Nếu Ukraine vượt qua mọi trở ngại và phản công đẩy quân Nga khỏi Kherson, thì quân Ukraine vẫn cần phải vượt qua Dnepr.
Đây là phép thử quá khó đối với khả năng của Quân đội Ukraine hiện nay, khi các lực lượng công binh vượt sông của họ đã bị Nga đánh thiệt hại nặng và họ chỉ dựa vào vài cây cầu độc đạo. Vậy liệu quân Nga có để cho quân Ukraine dễ dàng di chuyển?
Cuối cùng là “phép màu số 3”: Một trong những yêu cầu bất biến của một cuộc phản công kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là lực lượng tấn công phải có ưu thế về quân số, vũ khí, trang bị với đối phương.
Trên cơ sở này, các nhà lãnh đạo Quân đội Ukraine sẽ phải giải bài toán có lẽ chưa từng có tiền lệ, khi một lực lượng tấn công sẽ cố gắng đánh bại lực lượng phòng thủ, mà không có lợi thế về quân số, pháo binh hoặc máy bay?
Đúng là trong thời chiến, không có điều gì là không có thể xảy ra, hoàn toàn không có sự "chắc chắn” nào được đảm bảo.
Về mặt lý thuyết, Ukraine có thể vượt qua mọi trở ngại và đạt được mục đích ban đầu đề ra. Nhưng kỳ tích trên chiến trường là rất hiếm. Sự vượt trội hơn rất nhiều về các chỉ số quân sự rõ ràng, có thể dự đoán chính xác được kết quả đúng.
Trên thực tế, một cuộc phản công thành công của Quân đội Ukraine vào Kherson lúc này trên thực tế là điều bất khả thi. Như phân tích này cho thấy, Ukraine không cần một phép màu để thành công mà là cả ba cùng một lúc.
Để các cuộc phản công Ukraine có thể giành thắng lợi, thì bắt buộc trong các trận đánh lớn, Quân đội Ukraine phải sử dụng nhiều xe tăng.
Còn trong một bài báo của tạp chí nổi tiếng của Mỹ Forbes xuất bản gần đây cho biết, rất khó để Ukraine thành lập các lữ đoàn xe tăng mới.
Cũng theo Forbes, vào thời điểm xung đột bắt đầu, quân đội Ukraine có khoảng 900 xe tăng trong biên chế, chủ yếu là loại T-64. Trong 5 tháng chiến đấu, Quân đội Ukraine đã mất khoảng 230 chiếc.
Tuy nhiên các nước phương Tây đã kịp bù đắp nhiều hơn cho Kiev những tổn thất trên, với không dưới 300 xe tăng, xe bọc thép, được rút từ kho vũ khí của họ.
Điều này có nghĩa là lực lượng tăng - thiết giáp của Quân đội Ukraine ngày nay đã trở nên hùng mạnh hơn so với trước khi xung đột bùng nổ? Đây là điều khá khó tin với nhiều người, kể cả với những người Ukraine lạc quan nhất.
Theo phân tích của Forbes, “một chiếc xe tăng không có kíp lái được huấn luyện thì cũng chỉ là một đống sắt và cao su. Kể từ cuối tháng 2, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt của mình, hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine giỏi nhất đã bị loại khỏi cuộc chiến. Việc tìm những người có kỹ năng và kinh nghiệm như họ là rất khó”.
Do vậy việc có viện trợ thêm cho Quân đội Ukraine vài trăm chiếc xe tăng T-72 (hoặc loại xe tăng nào đi chăng nữa) cũng không thể đủ lực lượng cho Quân đội Ukraine mở cuộc phản công vào Kherson.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trong là tính bí mật, bất ngờ của cuộc phản công đã không còn. Hiện Quân đội Nga đã tập trung về đây và phía Ukraine lo sợ, Nga sẽ mở mặt trận mới tại Kherson, uy hiếp trực tiếp khu vực Nikolayev và Odessa.
Như vậy không phải là chiến dịch phản công của Quân đội Ukraine mà là chiến dịch phòng ngự của Quân đội Ukraine tại mặt trận Kherson./.