Sáng 4/11, Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 – lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

truy-bo-truong-viec-cham-trien-khai-song-va-may-tinh-cho-em-1667543057.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về việc chậm triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho hay, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Quốc hội cho biết hiện chỉ còn 266 thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động.

Tuy nhiên, qua các chuyến công tác như khảo sát và phản ánh của cử tri, còn rất nhiều vùng lõm ở các thôn, bản, điểm dân cư không có sóng hoặc sóng rất yếu, nhất là ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Điều này đã hạn chế phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

"Xin Bộ trưởng cho biết con số 266 thôn, bản có thực sự xác đáng không? Giải pháp để đầu tư, cải thiện hạ tầng thông tin ở các tỉnh khó khăn và với nguồn quỹ hỗ trợ thì khi nào các vùng lõm đủ sóng có sóng khỏe, đáp ứng nhu cầu của nhân dân?", đại biểu Thành chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta tuyên bố chương trình 1 triệu máy tính cho em, trong đó 600.000 máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa và hiện 500.000 máy tính từ nguồn xã hội hóa đã chuyển tới các em. Quỹ Viễn thông công ích đóng góp 400.000 máy tính.

Bộ đã làm việc với Bộ GD&ĐT về thời điểm trao 400.000 máy tính trên, và thống nhất khi nào bắt đầu chương trình học trực tuyến trong lúc không còn Covid-19 thì thực hiện.

“Tiền vẫn còn 1.000 tỷ đồng. Thông tư đã xong, tức là lúc nào cần là có thể "bấm nút", Bộ trưởng khẳng định.

Về các vùng lõm, ông Hùng cho biết, khi dịch Covid-19 xuất hiện và học sinh phải học trực tuyến mới bắt đầu thực hiện khảo sát các vùng chưa có 3G và 4G.

Báo cáo gửi đại biểu của Bộ cũng nêu hiện còn 2.500 thôn bản chưa đáp ứng được hạ tầng này, trong đó 2.200 điểm đã được cải thiện và 300 điểm chưa xong. Đây đều là những khu vực chưa có điện hoặc ít người dân sinh sống. Bộ đặt kế hoạch hết quý I/2023 sẽ hoàn thành phủ sóng đến các khu vực này.

Không thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ thi hành một số biện pháp liên quan đến chương trình "Sóng và máy tính cho em".

truy-bo-truong-viec-cham-trien-khai-song-va-may-tinh-cho-em-hinh-2-1667543092.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu.

Theo ông Thành, Nhà nước dự kiến chi 6.000 tỷ để chi cho chương trình Sóng và máy tính cho em, nhưng chưa triển khai được do chậm hướng dẫn của Bộ Thông tin Truyền thông.

"Chương trình này trong bối cảnh mới cần được tiếp cận lại, không chỉ là học trong điều kiện dịch mà còn phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục", đại biểu Thái Nguyên nói.

Bộ trưởng Hùng cho biết, chương trình Sóng và máy tính cho em có mục tiêu cấp 1 triệu máy tính cho học sinh, trong đó 600.000 máy là từ doanh nghiệp, cá nhân tài trợ; 400.000 dùng quỹ viễn thông công ích, hai việc này không chậm, đang tiếp tục triển khai.

Còn đối với khoản 6.000 tỷ, đây là chương trình khác, là ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương nâng cấp công nghệ thông tin. Đây là chương trình Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ chưa đưa ra khuyến nghị về việc 6.000 tỷ đó trọng tâm nên đặt vào đâu để mang lại hiệu quả. Bộ sẽ sớm đưa những khuyến nghị để thực hiện chương trình này./.