Trường hợp “lật ghế” trong bầu cử giữa kỳ ở Mỹ là gì?
Ngày 8/11, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ diễn ra. Theo đó, cử tri Mỹ sẽ tham gia bỏ phiếu bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện. Trong sự kiện này, trường hợp "lật ghế" có thể xảy ra khiến nhiều người quan tâm.
Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm/lần. Giữa mỗi nhiệm kỳ Tổng thống, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu lại các ghế Hạ viện và Thượng viện. Sự kiện này được gọi là bầu cử giữa kỳ. Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay diễn ra vào ngày 8/11.
Theo hiến pháp Mỹ, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 34 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại. Số lượng cử tri tham gia bầu cử giữa kỳ thường thấp hơn so với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hạ viện gồm 435 ghế nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm trong khi Thượng viện gồm 100 ghế thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 6 năm.
Mỗi tiểu bang ở Mỹ sẽ được đại diện bởi 2 thượng nghị sĩ ở Thượng viện. Số ghế tại Thượng viện Mỹ đang được chia đều cho hai đảng: 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 48 thượng nghị sĩ Dân chủ cùng 2 thượng nghị sĩ độc lập Angus King và Bernie Sanders ủng hộ đảng này.
Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, ngoài chọn thay thế 34 thượng nghị sĩ, cử tri Mỹ còn bầu thêm một thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ 4 năm để thay cho ông James Inhofe. Nguyên do là bởi ông là thành viên đảng Cộng hòa, tái đắc cử thượng nghị sĩ đại diện bang Oklahoma tháng 11/2020, nhiệm kỳ đến tháng 1/2027. Thế nhưng, ông dự kiến nghỉ hưu vào tháng 1/2023.
Trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra, Đảng Dân chủ khá tự tin trong việc tiếp tục kiểm soát Thượng viện do chỉ phải bảo vệ 14 ghế trong khi Đảng Cộng hòa phải giữ 21 ghế.
Tuy nhiên, không có điều gì là chắc chắn. Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có thể xảy ra nhiều bất ngờ. Trong số này có việc có thể xảy ra trường hợp "lật ghế".
"Lật ghế" (flipped seat) là việc một đảng giành lại được một ghế từ nghị sĩ đương nhiệm thuộc đảng đối lập ở Thượng viện hoặc Hạ viện.
Do vậy, trong những ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vận động các cử tri đi bỏ phiếu sớm bằng cách bỏ phiếu qua thư hoặc trực tiếp tại các khu vực bầu cử để tỷ lệ cử tri đi bầu đạt kết quả cao nhất.
Mặc dù cuộc bầu cử này không có tên Tổng thống Mỹ Joe Biden trên lá phiếu nhưng nó được coi là cuộc trưng cầu dân ý về ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm nói riêng và đảng Dân chủ nói chung trong gần 2 năm qua. Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ gửi đi tín hiệu về các chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong 2 năm tới. Vì vậy, dư luận Mỹ và thế giới theo dõi sát sao sự kiện quan trọng này./.