Kết quả kiểm phiếu cuối cùng, dù còn phải đợi công nhận chính thức mang tính thủ tục, đã mang lại cho liên minh của ông Netanyahu 64/120 ghế trong quốc hội Israel (Knesset), trong khi liên minh của Thủ tướng Yair Lapid chỉ đạt được 51 ghế. Sự chênh lệch này giúp ông Netanyahu tự tin sẽ được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.
Theo luật định, quy trình có thể kéo dài nhiều tháng nếu gặp khó khăn, nhưng dự báo chính phủ liên minh lần này sẽ được thành lập rất nhanh. Không giống như chính phủ trước, bao gồm 8 đảng thành viên có sự khác biệt lớn về đường lối và chương trình nghị sự, liên minh cánh hữu lần này chỉ gồm 4 thành phần và khá đồng nhất. Nếu các cuộc đàm phán phân chia vị trí trong nội các và bộ máy chính quyền kết thúc sớm, chính phủ mới có thể tuyên thệ nhậm chức trước Knesset chưa tới 1 tháng.
Thắng lợi mà liên minh ủng hộ ông Netanyahu có được là nhờ tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 70%, được coi là rất cao trong bối cảnh Israel vừa trải qua 4 kì bầu cử liên tục. Trong khi tỉ lệ đi bầu ở khối cử tri gốc Arab đạt thấp, lực lượng cử tri ủng hộ các đảng cực hữu và đảng của người Do Thái chính thống (Haredi) tỏ ra nhất quán và kiên định hơn hẳn. Điều này giúp cho đảng Phục quốc tôn giáo vươn lên ngoạn mục, thêm 8 ghế so với 6 ghế trong Knesset nhiệm kì trước, trở thành đảng về đích thứ ba.
Giới phân tích cho rằng, chính phủ mới sẽ khó có thể biến Israel trở thành một nhà nước cực hữu, thần quyền. Đảng Likud theo đường trung - hữu vẫn chiếm nhiều ghế nhất trong Knesset và ông Netanyahu giữ chức thủ tướng sẽ là các yếu tố dung hòa. Mặt khác, mặc dù hệ thống bầu cử của Israel dựa trên nguyên tắc tỉ lệ, tức đảng nào giành được bao nhiêu phần trăm phiếu bầu sẽ chiếm một tỉ lệ tương ứng trong quốc hội, song trên thực tế, điều này chưa hẳn đã đúng, do tỉ lệ cử tri đi bầu có sự chênh lệch giữa các khối và do nguyên tắc dồn phiếu dư giữa các đảng. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, phe của ông Netanyahu mặc dù giành được 64 ghế nhưng tỉ lệ cử tri ủng hộ chỉ là 49,55%.
Hơn nữa, bản thân các đảng cực hữu dù muốn nhưng sẽ không dám lạm dụng sức ép tôn giáo để đẩy các chính sách đi quá xa. Giám đốc Trung tâm chính sách Do Thái và Nhà nước thuộc Viện nghiên cứu Shalom Hartman, ông Tani Frank đánh giá, mặc dù chiếm đa số trong quốc hội, việc thông qua một điều luật nào đó đều đòi hỏi nhượng bộ chính trị, khiến các đảng cực hữu sẽ phải cân nhắc. Ví dụ, đảng của người Do Thái chính thống sẽ phải nhượng bộ để các cơ sở đào tạo tôn giáo được nhận thêm ngân sách tài trợ, người Do Thái chính thống được trợ cấp sinh đẻ kể cả trong trường hợp thất nghiệp hay được bãi bỏ một số loại thuế bất lợi.
Là một chính trị gia lão luyện, dù đang đối mặt với một số cáo buộc hình sự, ông Netanyahu đã khôn khéo tranh thủ sự sơ hở của phe cánh tả và chấp nhận bắt tay với hai đảng cực hữu để trở lại nắm quyền. Những tình tiết này cho thấy các tuyên bố khi tranh cử, chẳng hạn sẽ rút lại thỏa thuận phân định biên giới và khai thác khí đốt tự nhiên trên biển mà Israel vừa kí với Liban, có thể sẽ không diễn ra sau khi ông Netanyahu lên nắm quyền. Thỏa thuận này một phần chịu sức ép từ Mỹ và châu Âu khi thị trường năng lượng thế giới đang gặp khủng hoảng, nhưng cũng mang lại một nguồn thu xuất khẩu đáng kể cho Israel để bù đắp tình trạng lạm phát trong nước.
Với một chính phủ bao gồm các thành phần cực hữu, thách thức trước mắt của ông Netanyahu là làm cách nào để giữ được sự cân bằng cho một nhà nước đồng thời mang hai bản sắc vừa thống nhất vừa đối lập: Israel - Do Thái…/.