Việt Nam thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi theo chiến lược hạ dần độ tuổi. Đến nay, nhiều địa phương bắt đầu triển khai tiêm cho trẻ 12 tuổi. Với lứa tuổi này cần sự theo dõi sát sao hơn của bố mẹ, người giám hộ.

Đặc biệt, thông tin về vaccine cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn trước-trong-sau tiêm cho trẻ phải luôn có sự theo sát của người lớn. 

Dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh, những ngày qua không khỏi băn khoăn với vấn đề tăng hạn sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer, khi đây là loại vaccine được cấp phép để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi. 

hocsinhlop9tiem11-14212728-1638520679.jpg
Trẻ em 14 tuổi tại Hà Nội tiêm vaccine COVID-19.

Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều phụ huynh nêu ý kiến với giáo viên chủ nhiệm về việc được “tận tay” xem thông tin vaccine, xem lọ vaccine trước khi tiêm cho trẻ. Nhiều phụ huynh cho biết, nếu yêu cầu này được đáp ứng, họ sẽ “đồng ý” tiêm cho con tiêm vaccine.

Trên thực tế, trong văn bản số 9439/BYT-DP về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuân thủ đầy đủ quy trình tiêm chủng, trong quá trình tiêm kiểm tra vaccine, dung môi, bơm tiêm; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vaccine trước khi tiêm. Như vậy, yêu cầu này của các phụ huynh là hoàn toàn chính đáng.

Theo Bộ Y tế, thời gian vừa qua các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai công tác tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19) đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên dẫn đến một số sai sót đáng tiếc xảy ra.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine. Trước tiêm phải khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vaccine sẽ tiêm chủng....

Sau tiêm, các đơn vị theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo quy định; xử lý chất thải y tế sau tiêm… theo quy định.  Đồng thời Bộ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm.

Với vấn đề tăng hạn sử dụng vaccine Pfizer, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định, Việt Nam thực hiện việc này theo thông lệ quốc tế và không tự động gia hạn vaccine. Cụ thể, ngày 22/8/2021, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) và ngày 10/9/2021 Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Ngày 20/9/2021, WHO cũng có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng.

Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển vaccine từ nhà sản xuất đến Việt Nam, vaccine luôn được bảo quản ở nhiệt độ -90°C đến -60°C bằng các thiết bị chuyên dụng của nhà sản xuất. Vaccine có thể được bảo quản trong buồng lạnh/tủ lạnh dương từ +2ºC đến +8ºC tối đa 1 tháng (31 ngày). 

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định, tất cả các lô vaccine trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Do vậy, việc tăng thời hạn vaccine thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vaccine.

Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, với tốc độ tiêm như hiện nay, Việt Nam chưa phải huỷ lô vaccine nào vì hết hạn. Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 rất nhanh, với thời kỳ cao điểm nhất có thể lên tới 2 triệu liều/ngày. 

“Vì vaccine về từng đợt rất ít, chưa có đợt nào về nhiều đến mức bị dồn vaccine đến mức quá hạn. Vì vậy chúng ta không phải băn khoăn về hạn dùng của vaccine”, TS.BS Phạm Quang Thái nói.

Cũng theo TS Phạm Quang Thái, trẻ từ 12-17 tuổi là nhóm tuổi đặc biệt, đây là thời kỳ tuổi lớn của các em và có sự xáo trộn nhiều về tâm sinh lý, hormone… điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người tiêm. Do vậy, ngoài việc ký đồng ý chấp thuận tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ, cha mẹ và người giám hộ cũng phải tham gia để có thể giúp đỡ trẻ trước-trong-sau tiêm chủng.

Việc gia đình tham gia theo dõi sức khỏe cho trẻ là bắt buộc Điều này vô cùng quan trọng và có ý nghĩa sống còn liên quan đến sự an toàn của trẻ. Vì vậy, trẻ em cần phải có người lớn bên cạnh để đảm bảo nếu có bất cứ vấn đề gì bất thường, trẻ sẽ được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể./.