Chiều 4/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công an: Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương thống nhát bổ sung một số vụ án vào diện theo dõi. Kết quả điều tra các vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi đến nay như thế nào (như vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á)?
Qua vụ Việt Á cho thấy có sự tham gia của hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, ông có thể nêu một số bài học để tránh xảy ra những vụ án tương tự? Cũng liên quan đến vụ Việt Á, cho thấy số tiền Việt Á hối lộ các quan chức CDC các tỉnh rất lớn. Vậy đường đi của dòng tiền Việt Á hối lộ các quan chức CDC các tỉnh, thành phố như thế nào (chuyển khoản trực tiếp, đưa tiền mặt hay gửi thông qua người nhà…)?
Trả lời câu hỏi, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, tất cả bị can trong vụ án Tân Hoàng Minh, FLC, Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đều vi phạm pháp luật hiện hành và chắc chắn bị xử lý bằng pháp luật.
"Có đặc điểm ở những bị can là rất nhiều trong số họ là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ", Trung tướng Tô Ân Xô nói. Các bị can là cán bộ, đảng viên trước tiên sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng, sau đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mỗi "chuyến bay giải cứu" lợi nhuận vài tỷ đồng
Ông Xô khẳng định “dòng tiền là yếu tố quan trọng”, trong một số vụ án khi khám xét có những bị can trong ngăn kéo có hơn 10 tỉ đồng. Ví dụ vụ Việt Á, "họ rất nhiều tiền". Bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á) khai kiếm lãi 4.000 tỷ, bôi trơn khoảng 800 tỷ đồng. “Đây là kênh để các nhà điều tra tìm ra", ông Xô thông tin.
Theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, lực lượng công an đang tập trung hết sức để sớm có những kết quả. Tướng Tô Ân Xô viện dẫn vụ án "chuyến bay giải cứu" mà theo cán bộ điều tra trừ các chi phí đi thì số tiền kiếm lợi lên đến vài tỷ đồng một chuyến bay, trong đợt dịch vừa qua có tới gần 2.000 chuyến bay.
Hay vụ FLC, theo kết quả điều tra ban đầu, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh thư của 26 cá nhân để lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán, để thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu nhằm tạo ra cung cầu giả tạo với 6 mã chứng khoán FLC. Thu lợi bất chính ban đầu 975 tỉ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà đầu tư.
Theo ông Xô, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra đã tiếp nhận 557 đơn tố cáo hành vi thao túng thị trường của Trịnh Văn Quyết và đồng bọn. Vụ Việt Á hay vụ giải cứu công dân ở nước ngoài cũng là lợi dụng chính sách để trục lợi.