Điều chỉnh tiền lương với doanh nghiệp nhà nước

vuong-dinh-hue-tv16-4988-1665372978.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp
GIA HÂN

Sáng 10.10, phát biểu khai mạc phiên họp 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp, liên quan báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở (cho cán bộ, công chức, viên chức).

Lưu ý một nội dung mới cho ý kiến đối với vấn đề điều chỉnh lương cơ sở lần này là tiền lương với khu vực doanh nghiệp nhà nước, ông Vương Đình Huệ cho hay, khu vực kinh tế tư nhân đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Do đó, lần này, ngoài công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu hưởng trợ cấp BHXH,… thì còn điều chỉnh mức lương khối doanh nghiệp nhà nước.

“Cơ quan thẩm tra và các cơ quan cần cho ý kiến về vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tại Hội nghị T.Ư 6 vừa bế mạc hôm qua 9.10, T.Ư cũng đã cho ý kiến phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023.

T.Ư đã thống nhất giao Bộ Chính trị hoàn thiện kết luận, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở trình Quốc hội xem xét quyết định.

Dự thảo báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phản ánh tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống.

Trong khi đó, chính sách tiền lương và thu nhập theo tinh thần Nghị quyết số 27 Hội nghị T.Ư 7 khóa XII năm 2018 chậm được ban hành, dù kinh tế - xã hội đã được phục hồi.

Từ đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện môi trường làm việc để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác, tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao, gắn bó lâu dài với các cơ quan, đơn vị.

Lần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức gần đây nhất là năm 2018, thực hiện từ năm 1.7.2019. Mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng, dùng để tính lương cho công chức, viên chức theo ngạch, bậc.

Theo Nghị quyết 27 năm 2018, T.Ư Đảng dự kiến thực hiện cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng Covid-19 nên T.Ư đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức đến thời điểm thích hợp. Quốc hội sau khi có chủ trương của T.Ư cũng đã thông qua nghị quyết về việc này.

Kéo dài thí điểm chính sách đặc thù TP.HCM thêm 1 năm

Ngoài nội dung nói trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp lần này, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết Nghị quyết 30 của Quốc hội về những giải pháp đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng như Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.

Cả 2 nghị quyết sẽ kết thúc trong năm nay.

tvqh-16-1503-1665373038.jpg
Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
GIA HÂN

Với Nghị quyết 54, Chủ tịch Quốc hội cho biết Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và có đề xuất cơ chế chính sách mới thay thế Nghị quyết 54 nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp.

Do đó, Chính phủ đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023 để có thời gian chuẩn bị, trình Quốc hội quyết định những nội dung mới thay Nghị quyết 54.

“Nhanh chậm thế nào phụ thuộc vào TP.HCM và các cơ quan của Chính phủ. Nếu nội dung này được chấp nhận thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nên ban hành nghị quyết riêng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Xử lý vướng mắc dự án BOT phải "thấu tình đạt lý"

Một nội dung khác cũng được xem xét trong phiên họp lần này là tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án BOT.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đối với vấn đề này. Trên cơ sở căn cứ vào luật Đối tác công tư và căn cứ vào hợp đồng giữa một bên là Chính phủ và các nhà đầu tư.

“Giờ giải quyết vướng mắc thì phải căn cứ vào hợp đồng, quyền hạn của Chính phủ đến đâu, Thường vụ Quốc hội đến đâu và Quốc hội có thẩm quyền này không? Nếu có thẩm quyền thì giải quyết như thế nào. Cái này còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần cho ý kiến kỹ lưỡng trên tinh thần sâu sát với thực tế”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội và chín muồi rồi thì trình Quốc hội xem xét.

“Về nguyên lý thì trước hết phải xem xét hợp đồng các bên thực hiện thế nào. Vướng mắc này do bản thân phía đại diện Nhà nước, doanh nghiệp là của ai, trách nhiệm nhà đầu tư thế nào. Nếu nhà đầu tư thực hiện không nghiêm hợp đồng mà đẩy trách nhiệm cho Chính phủ, Quốc hội quyết định thế này có hợp lý không, vì xử với những dự án này còn những dự án khác nữa”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, tinh thần chủ động tháo gỡ tồn tại vướng mắc của các dự án BOT nhưng phải bàn thảo thảo kỹ lưỡng để thấu tình đạt lý./.